khởi hành về Trung Nguyên, tướng sĩ hoan hô vang dội. Ông ta quay sang
Rajiva, nói rằng Thiên vương Đại Tần có lời mời pháp sư đến Trường An
thuyết pháp. Rajiva bình thản gật đầu. Khi màn trình diễn ca múa hát bắt
đầu, Lữ Quang không cho phép Rajiva ra về, chỉ đồng ý để chàng uống trà
thay rượu. Đến tận nửa đêm, khi pháo hoa rợp trời, yến tiệc mới kết thúc,
vậy là năm 385 sau Công nguyên đã đến. Biến cố lịch sử lớn nhất trong
năm này là cái chết của Phù Kiên. Cùng với kết cục đó, vùng đất Trung
Nguyên chuyển sang một thời kỳ mới.
Cũng trong năm 385 sau Công nguyên, “người đồng tính” Mộ Dung
Xung xưng đế, lập nước Tây Yên. Nhưng vì chính quyền rối ren, không lâu
sau đã sụp đổ, nên Tây Yên không được liệt vào danh sách các nước nhỏ
thời Thập lục quốc.
Cũng vào năm này, vị vua đầu tiên của nhà Hậu Tần – Diêu Trường đã
giết chết Phù Kiên, tấn công Mộ Dung Xung ở Trường An. Năm kế tiếp
Diêu Trường chiếm cứ và biến Trường An thành kinh đô của nhà Hậu Tần,
cho tới khi Lưu Dục tiến hành cuộc Bắc phạt, tiêu diệt Hậu Tần.
Cũng năm này, Khất Phục Quốc Nhân – người Sabir ở Lũng Tây lập nên
chính quyền ở vùng đất mà nay là phía Nam Cam Túc và phía Bắc Thanh
Hải. Nhưng vì thế lực nhỏ bé, phải phụ thuộc vào các quốc gia lớn hơn, nên
chỉ dám xưng hiệu là Thiền vu, Đô đốc, Tần vương. Sử gọi là nước Tây
Tần.
Cũng năm này, trên thảo nguyên Nội Mông xuất hiện một nhân vật anh
hùng. Bộ lạc Thác Bạt (thuộc tộc người Sabir), dưới sự lãnh đạo của Thác
Bạt Khuê (lúc này mới mười sáu tuổi) đã lập ra nhà Bắc Ngụy. Năm 439
sau Công nguyên, Bắc Ngụy tiêu diệt Bắc Lương – tiểu quốc cuối cùng của
thời Thập lục quốc. Miền Bắc Trung Quốc, sau 135 năm chiến tranh loạn
lạc, cuối cùng đã được thống nhất, mở ra thời kỳ Nam Bắc triều kéo dài
150 năm lịch sử, cho đến khi nhà Tùy thống nhất Trung Quốc.