- Vẫn tiếp tục và không chỉ có một trận. Thời Thập lục quốc, Lương
Châu có đến năm vị vua của năm nhà Lương. Nhà Tiền Lương của Trương
Quỹ người Hán bị Phù Kiên người Đê tiêu diệt. Nhà Hậu Lương của Lữ
Quang người Đê bị nhà Hậu Tần của Diêu Trường, người Khương tiêu diệt.
Nhà Nam Lương của Thốc Phát Ô Cô, người Tiên Tì (Sienpi) bị nhà Tây
Tần, cũng là người Tiên Tì tiêu diệt. Nước Tây Lương của Lý Cảo, người
Hán bị nước Bắc Lương của Thư Cừ Mông Tốn, người Hung Nô tiêu diệt.
Nước Bắc Lương của Mông Tốn lại bị người Bắc Ngụy của bộ tộc Thác
Bạt, người Tiên Tì tiêu diệt. Ngũ Hồ trong cụm từ “Ngũ Hồ loạn Hoa” mà
hậu thế thường nhắc vốn chỉ người Hung Nô, người Khương, người Đê,
người Tiên Tì và người Hạt. Không tính người Hạt và người Khương, chỉ
riêng đất Lương Châu đã có đến ba tiểu quốc của ba tộc người Hồ khác
nhau, và chỉ vậy thôi cũng đã đủ loạn lắm rồi. Mười mấy hai mươi năm rối
ren loạn lạc, các chính quyền hoặc thay thế nhau hoặc cùng tồn tại, tựa hồ
diễn trò đèn kéo quân trên đất Lương Châu. Nếu không vì Rajiva, thì dù
học chuyên ngành lịch sử, tôi cũng không thể nào ghi nhớ chi tiết về giai
đoạn này. Trước khi vượt thời gian tới đây, tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức
để tìm hiểu và tập hợp toàn bộ tài liệu, đến nay, não bộ của tôi giống như
một kho tư liệu toàn vẹn về thời Thập lục quốc.
Tôi khoan khoái tận hưởng sự chăm sóc của chàng, nhấp từng ngụm
nước lấy giọng:
- Nhưng trước mắt, Lữ Quang phải đối phó với Trương Đại Dự - con trai
cả của vua Tiền Lương – Trương Thiên Tích. Trương Thiên Tích quy phục
nhà Đông Tấn, nhưng con trai Trương Đại Dự không chịu theo cha, lại sợ
Phù Kiên, nên đã chạy đến chỗ Hiệu úy Trường Thủy là Vương Mục.
Vương Mục đưa Trương Đại Dự lên ngôi vua Lương. Ít ngày nữa, Trương
Đại Dự sẽ tiến đánh Guzang.
Mười ngày sau, vào trung tuần tháng chín, quân đội của Trương Đại Dự
và Vương Mục đã có mặt ngoài thành Guzang. Trước đó, Lữ Quang đã cử