Sáng ngày 26, có tin hai chi đội Quân giải phóng đã về đến
Gia Lâm. Anh Nguyễn Khang cùng anh Vương Thừa Vũ sang
đón.
Phải trải qua một cuộc dàn xếp khó khăn, bọn Nhật mới
đồng ý để các đơn vị Quân giải phóng vào Hà Nội.
Đội nhạc binh cử những khúc quân hành khi đoàn quân
vượt cầu Long Biên. Các chiến sĩ dàn thành hai hàng dọc
hai bên đường, súng cầm tay, đạn lên nòng, đi theo tư thế
sẵn sàng chiến đấu.
Sự có mặt ở Hà Nội của những lực lượng vũ trang cách
mạng đã trải qua tôi luyện, thử thách làm cho mọi người
phấn khởi. Một cuộc duyệt binh của Quân giải phóng và tự
vệ thành được tổ chức tại quảng trường Nhà hát lớn trước
niềm hân hoan, tin tưởng của đồng bào.
Ngày 28, danh sách Chính phủ lâm thời được công bố trên
các báo chí tại Hà Nội. Thành phần của chính phủ nói lên
chủ trương đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân của Mặt
trận Việt Minh trong công cuộc xây dựng đất nước.
Hôm trước đó, Bác đã gặp các vị Bộ trưởng trong Chính phủ
lâm thời tại Bắc Bộ phủ. Ông Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng Bộ
Cứu tế xã hội, nhìn thấy ở phòng khách một cụ già, mặc
chiếc quần « soóc » nhuộm nâu, đội cái mũ bọc vải vàng đã
móp, đứng chống cái gậy, tươi cười gật đầu chào mình. Lát
sau, ông mới biết đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thường vụ đã quyết định ngày ra mắt của Chính phủ lâm
thời cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố giành
quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ cộng hòa.