Hoàng, của Thương Ưởng, bảo chính sách đó dùng ít thì hại ít, càng dùng
nhiều càng hại nhiều.
Tuy nhiên ông không phải là cổ hủ, rất lo đến kinh tế, võ bị, lập một kế
hoạch di dân, đề nghị nuôi binh ở trong dân (thời bình thì là nông dân,
nhưng luyện tập quân sự để thời loạn thì thành lính), ông lại thực hiện được
công việc khơi sông ở Từ Châu, công việc đắp đê ở Hàng Châu, làm lợi cho
nông dân rất nhiều. Đê đó mang tên ông (Tô đê), trồng đào liễu ở hai bên,
rất ngoạn mục.
Ông sáng tác được 4.000 bài thơ, 300 bài từ, tản văn rất nhiều bài hay.
Tác phẩm ông lưu lại có bộ Đông Pha văn tập 60 quyển, bộ Đông Pha thi
tập 25 quyển, bộ Đông Pha từ 1 quyển, bộ Cửu Trì bút kí 2 quyển, bộ Đông
Pha chí lâm 5 quyển. Ngoài ra, vâng lời dặn dò của cha lúc lâm chung, ông
viết tiếp cuốn Dịch truyện mà cha bỏ dở, rồi viết thêm những cuốn: Luận
ngữ thuyết, Thư truyện để truyền bá đạo Khổng. Văn nhân đương thời rất
trọng ông, và coi ông là người nối gót Âu Dương Tu trên văn đàn.
Ở đây chúng tôi không xét công việc giả phóng thể từ đời Tống, bỏ niêm
luật, mở rộng phạm vi của nó, dắt nó từ cảnh mơ mộng hương phấn qua khu
vực khoáng đạt, hào hùng của tình cảm; chúng tôi chỉ giới thiệu tản văn của
ông thôi.
Về chính trị, ông hoàn toàn theo Khổng, mà về nghệ thuật ông có cả hai
khuynh hướng Khổng và Lão. Những bài luận về chính trị, về nhân vật lịch
sử như bài Giả Nghị luận ông có giọng của Âu Dương Tu nhưng hùng hồn
hơn; mà những bài kí của ông như: Siêu nhiên đình kí, Phóng hạc đình kí và
nhất là bài Tiền Xích Bích phú thì có giọng của phái Lão, Trang.
Ông cũng theo phong trào phục cổ của Âu Dương Tu, cũng muốn dùng
văn để cứu đời, có lúc đã viết: “Vĩnh quí thử bang nhân, mang thích phu cơ,
bình sinh ngũ thiên quyển, nhất tự bất cứu cơ!”: Thẹn hoà cho người nước
nay, gai đâm trong da thịt; bình sinh (đọc) năm ngàn quyển sách, mà không
một chữ nào cứu đói cho dân được; nhưng có hồi ông lại ca tụng thú tiêu
dao, bảo: “Ý kì siêu dật tuyệt trần, độc lập vạn vật chi biểu, ngự phong kị