cũng chỉ ở trong một cái chớp mắt; mà nếu tự ở nơi không biến đổi mà xem
ra thì muôn vật cùng với ta đều không bao giờ hết cả; cần gì phải khen đâu!
Vả lại ở trong trời đất nào có chủ ấy, nếu không phải là của ta thì dẫu một
li ta cũng không lấy. Chỉ có ngọn gió mát ở trên sông cùng vừng trăng sáng
ở trong núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm,
dùng không bao giờ hết, đó là kho vô tận của Tạo hoá mà là cái vui chung
của bác với tôi.
Khách nghe vậy, mừng và cười, rửa chén lại, rót rượu uống một lần nữa.
Khi đồ nhắm, hoa quả đã khan, mâm bát bỏ ngổn ngang, cùng nhau gối đầu
ngủ
ở trong khoang thuyền, không biết rằng vừng đông đã sáng bạch từ
lúc nào.
PHAN KẾ BÍNH dịch
NHẬN ĐỊNH
Phú xuất hiện từ thời Chiến Quốc ở nước Sở; người mở đường cho nó là
Tống Ngọc, rồi tới đời Hán thì cực thịnh, văn nhân nào cũng luyện nó. Nó
có vần, có điệu, là một loại giữa thơ và tản văn; nhưng đời Hán các văn
nhân thường chỉ dùng nó để ca tụng tài đức của thiên tử cùng cảnh bình trị
đương thời, làm vui tai đẹp mắt bề trên, thiếu hẳn giá trị về nội dung.
Qua đời Đường nó có những qui tắc rất nghiêm khắc và những qui tắc
này được giữ cho tới đời Thanh. Coi những bài phú Nôm của ta thời Lê,
Nguyễn thì thấy những qui tắc đó bó buộc văn nhân ra sao.
Đời Tống, Âu Dương Tu và Tô Thức là những người đầu tiên có sáng
kiến gạt bỏ những qui tắc đó, dùng thể văn xuôi để phá phú, nhờ vậy dễ
diễn được tình, ý hơn và tạo được những bài bất hủ như bài này, bài Hậu
Xích Bích phú (coi ở sau) và bài Thu thanh phú (ở trên)
. Trong ba bài
đó, chúng ta nhận thấy tác giả dung hoà hai thể biền và tản: cũng có những
về đối nhau, cũng giữ vần, nhưng lúc nào đối không được tự nhiên thì bỏ,
số chữ không nhất thiết phải cân xứng; bằng trắc không nhất thiết phải theo
luật.