kiếm ra đỡ bên trái vừa dạt người né sang phải. Khi nghe tiếng gió kiếm
đâm tới, ông giật mình biết nguy vội nhún chân tung người lên không
nhưng bên hông cũng đã bị mũi kiếm đâm sướt qua rạch một đường dài.
Lại nghe tên nhị ca hô tiếp:
- Phi tiễn xuyên dương!
Tức thì mũi kiếm của hắn đang đà chém bỗng đổi thế đâm từ dưới
thẳng lên ngay chân trái của Võ Trụ, bức không cho ông hạ người xuống.
Trong khi đó tên còn lại cũng vung kiếm chém vào khoảng không mé bên
phải. Võ Trụ lúc phóng người lên có ý muốn thoát ra khỏi tầm kiếm của
địch nên thế phóng nghiêng về bên phải, lúc này người ông đang lơ lửng
trên không, thấy chiêu kiếm từ dưới đâm lên, ông vội dùng bản kiếm của
mình đập xuống mũi kiếm của địch để mượn thêm lực lướt người sang
phải, không ngờ lại lao vào đúng đường kiếm đang chém tới của tên phía
sau. Trong khoảnh khắc cái chết tựa như chỉ mành treo chuông, Võ Trụ vội
dùng tay trái rút thanh đoản kiếm Nhật Bản đeo bên hông gạt mạnh vào
lưỡi kiếm của địch. Một tiếng “choang” vang lên, thanh kiếm trên tay địch
bạt ra sau, Võ Trụ vung nhanh thanh trường kiếm vạch thẳng một đường
xuống phía dưới chân phòng tên nhị ca tấn công tiếp rồi lướt người hạ
xuống bên ngoài vòng kiềm tỏa của địch. Thật là một khắc kinh hoàng, mồ
hôi và máu ướt cả người ông.
Nguyên hai tên này là hai anh em, người anh là Tư Đồ Nhất còn em là
Tư Đồ Nhị, quê ở núi Thương Sơn. Chúng được dị nhân trong núi dạy cho
võ nghệ rồi hợp nhau lại nghĩ ra thế tấn công đặc biệt ăn ý này. Xưa nay rất
ít người tránh được kiếm trận kỳ quái của chúng. Cho nên chúng mới nổi
danh và hoành hành tác oai tác quái suốt một cõi Giang Nam. Một hôm
chúng bị một số cao thủ vây đánh suýt bỏ mạng, may nhờ Lãnh Diện Truy
Hồn cứu được nên từ đó kết làm anh em, tạo nên thanh danh của Dương Tử
Tam Kiếm lẫy lừng suốt một dải Trường Giang và miền Nam Trung Quốc.