thiện chiến và cũng đã nhiều phen chống đối với triều đình. Nếu liên kết
được với họ thì mặt bắc Quảng Ngãi ta đỡ lo, có thể rảnh tay đối phó với
quân binh phủ Quy Nhơn. Không biết ý kiến của Đinh thúc thế nào?
Hồng Liệt nói:
- Ý ấy rất hay! Vật đã tặng cho Truông Mây thì Truông Mây cứ tùy nghi sử
dụng sao cho có lợi là được.
Trước nay, Lía vốn giao hảo tốt với người Bana ở từ vùng An Khê đến
vùng An Lão, nay nếu việc thuyết phục bản Đá Vách về với Truông Mây
thành công thì sẽ có được một lực lượng rất lớn giúp cho cuộc khởi nghĩa
sau này.
Trước đó, Trần Lâm cử Trương Văn Bảo đem theo trăm rưỡi nghĩa binh đã
được huấn luyện vào thay cho toán của Hồ Bân, theo cách bố trí của trung
ương trại mà xây dựng Truông Mây ở Núi Bà. Hồ Bân cùng toán quân Núi
Bà trở về Hoài Ân để học tập binh pháp và đặt toán quân này trực thuộc trại
trung quân của Lía.
Hồ Bân thời gian qua ở Núi Bà một mình một cõi, tính lại thích uống rượu
nên để thuộc hạ ra ngoài phá phách làm trái với quy định của Truông Mây.
Trần Lâm biết điều này nhưng không nói ra, chỉ bắt toán quân mới về phải
luyện tập theo đúng kỷ luật và quân pháp đã tuyên cáo. Một tên bộ hạ thân
tín của Bân là Năm Dồ có vẻ xem thường quân pháp nên lần tổng diễn tập
đã vi phạm luật cấm và bị Trần Lâm sai mang ra chém. Hồ Bân ghét lắm
nhưng sợ uy Trần Lâm nên đành im lặng.
Nghĩa binh đã khá đông đủ, việc huấn luyện cũng rất khả quan, Trần Lâm
bèn nghĩ đến chuyện chiêu mộ những anh tài trong thiên hạ. Chàng viết
một bức thư giao cho Tín Nhi mang về Quy Nhơn trao cho Lê Trung, mời
ông ta gia nhập Truông Mây, nhân đó ra Phương Phi để gặp Phan Sinh. Lưu
Phương Tích được giao nhiệm vụ ra Duy Xuyên để tìm gặp Tào Sơn
Trương Bàng Châu. Cuối cùng, Trần Lâm cùng Lía và một người cận vệ
của Lía lên đường ra bản Đá Vách lo việc liên minh.