cành cây nêu có kết hoa bằng lá non cây Sra và trên ngọn treo một con
chim phượng hoàng làm bằng gỗ có tô nhiều màu. Cây nêu được xem là lễ
đài của toàn bộ buổi lễ, do đó cây nêu chẳng những phải cao vút, bề thế mà
còn phải có tính nghiêm trang, đầy chất huyền thoại. Trên cây nêu luôn có
đủ các hình tượng và hoa văn. Đó là hình tổ ong, hình chim én, cánh chim
cu, xâu lục lạc bằng nứa, tượng người... Các ché rượu cần được đổ nước,
nhét lá, cắm cần đầy đủ.
Nghi thức lễ đâm trâu thường diễn ra vào buổi chiều tà. Khi dựng cây nêu,
nam nữ phải ra đứng đánh cồng chiêng múa vui vòng quanh cây nêu. Tiếng
chiêng càng vang, mọi người càng hớn hở, nhất là lúc con trâu được buộc
vào cọc nêu. Suốt đêm đó, dân làng vui chơi, uống rượu, đánh chiêng, chờ
đợi ngày mai bắt đầu lễ chính. Đến gà gáy canh tư, người đàn bà chủ trâu
hoặc người đàn bà hàng xóm ra đứng gần cây nêu hát bài gọi thần Lúa và
bài “khóc trâu” để vỗ về, an ủi, tiễn biệt con vật yêu quý này trước khi nó
bị giết để làm lễ hiến sinh. Vừa hát người ấy vừa lấy nước tưới vào đầu con
trâu. Tảng sáng, người ta mang một ché rượu nhỏ và giết một con gà để
cúng hồn con trâu. Trong khi đâm trâu, dàn nhạc cồng chiêng nổi lên để
làm cho người chém trâu, đâm trâu thêm phần phấn chấn, can đảm.
Trong suốt lễ hội, mọi người ở bản Đá Vách đều coi ba chàng hiệp sĩ
Truông Mây như những người khách quí, những đại ân nhân. H’Phon đã
cho mời các bản làng anh em gần đó đến tham dự lễ. H’Linh cũng có mặt
vì nàng đã gần như khỏe hẳn. Các trai làng cùng nhau mang rượu cần mời
bọn Lía. Họ ăn uống nhảy múa thật thoải mái, vui nhộn giữa cảnh núi rừng
hùng vĩ bao la. Đêm đến, tất cả đều yêu cầu H’Linh hát bài dân ca H’rê như
mọi lần lễ lạc trước kia để dâng tặng thần linh và những người khách quí.
Dưới ánh lửa bập bùng, H’Linh trong trang phục dân tộc trông giống như
một nàng tiên nhỏ. Giọng nàng cất lên thật trong trẻo và êm đềm khiến mọi
người đang ồn ào bỗng im phăng phắc lắng nghe. Tiếng hát của nàng như
làm cho tất cả thấy tâm hồn trở nên thanh thản, hòa lẫn vào cảnh tịch nhiên,
thâm u của núi rừng Thạch Bích.
Sáng hôm sau, Lía và Thiên Tường từ giã bản làng trở về Truông Mây.
Trần Lâm ở lại thêm mấy ngày nữa để giúp H’Phon tổ chức các đội quân