- Chúng tôi chỉ chống lại tên gian tặc Quốc phó. Huynh không thấy rằng cả
cái phủ chúa hiện giờ đang nằm gọn trong tay hắn và bè lũ của hắn hay
sao? Huynh không thấy muôn dân đang bỏ nhà, bỏ xứ lang thang chết đói
đầy đường hay sao? Ngày nào còn tên Quốc phó Trương Phúc Loan và bè
lũ của hắn thì ngày đó một dải giang san này vẫn còn là chốn địa ngục trần
gian, huynh có nghĩ thế hay không? Sao huynh còn đem thân làm tay sai để
bảo vệ chiếc ghế Quốc phó của hắn, cho hắn ngồi đó thản nhiên mà vơ vét
của dân lành? Tinh thần thượng võ của kẻ cầm đao, lòng yêu nước thương
dân của huynh để đâu?
Phan Ngọc Chánh nghe Trương Bàng Châu lý luận xác đáng, vừa như phân
tích, vừa như mắng xéo mình thì trong lòng hổ thẹn vô cùng. Ông không
biết trả lời thế nào cho phải lẽ. Ông nhìn xuống thấy nước sông đang cạn
dần thì biết là Đặng Thông đã đắp đê ngăn dòng trên thượng nguồn. Ông
bèn nói gượng:
- Trương huynh nói phải lắm, nhưng tôi thân làm tướng cho nhà chúa,
mang quân đi dẹp loạn là cho chúa tôi chứ không phải cho quan Quốc phó.
Trương huynh nếu còn nghĩ mình là thần dân của Chúa Nguyễn thì bỏ đao,
dẹp binh đi để tránh can qua. Bằng không xin đừng trách tôi không nghĩ
đến tình cố cựu.
Bàng Châu cười ha hả nói:
- Ha ha... Câu đó lẽ ra phải để tôi nói mới đúng. Đã thế thì chúng ta cứ lấy
chiến trường để định lẽ phải trái, chút tình cố cựu riêng tư hãy dẹp sang
bên.
- Được! Kẻ thắng trận sẽ nói tiếng nói của mình.
Ngọc Chánh liền phất tay, cả đoàn quân ùn ùn chuẩn bị xuống sông. Bên
này Bàng Châu cho cung thủ dàn hàng ngang sẵn sàng chờ đợi. Giữa lúc
ấy, tiếng vó ngựa từ xa rầm rập phi tới từ phía sau lưng. Bàng Châu hốt
hoảng nhìn lại thì thấy chính là đoàn kỵ mã của Trần Lâm. Trần Lâm tiến
đến bên Bàng Châu để quan sát tình hình, chàng thấy nước sông cạn thì biết
rằng địch đã cho đắp đê chặn trên miệt thượng nguồn. Trần Lâm vội hỏi
Bàng Châu:
- Cách bố trí của chúng ta thế nào?