văng ra xa. Văn Bảo vội vàng thúc ngựa tới, dùng sống bàn tay làm đao
chém vào gáy của Đặng Thông một nhát. Hắn ngã nhào xuống ngựa, nghĩa
binh vội xông tới trói lại. Trần Lâm nói lớn:
- Anh em binh sĩ Quy Nhơn nghe đây, chúng tôi vì đồng bào nghèo khổ nên
mới nổi dậy diệt trừ tên Quốc phó chứ không hề có ý gây chiến tranh để
giết hại anh em đồng bào của mình. Anh em buông khí giới đầu hàng thì sẽ
được toàn mạng.
Đám binh triều thấy chủ tướng đã bị bắt liền đồng loạt bỏ vũ khí. Nghĩa
binh thu gom binh khí xong, Trần Lâm nói tiếp:
- Bây giờ anh em theo chúng tôi đến một nơi tạm lánh, chờ xong việc tôi sẽ
phân phối anh em sau.
Chàng bèn lệnh cho một trăm kỵ binh dẫn bọn hàng binh tạm giam vào một
hốc núi gần đó rồi mang theo Đặng Thông trở lại khu rừng nơi Bàng Châu
đang ẩn trốn.
Nhắc lại toán quân của Đinh Cường đang đóng trại ở mé đông thì gặp cánh
quân hơn ngàn người của Phạm Kiến Tính ồ ạt vượt sông. Đinh Cường cho
cung thủ từ trên bờ bắn tên xuống như mưa rào, số binh triều đi đầu trúng
tên kêu la om trời. Kiến Tính vội vàng đưa quân cầm mộc chống tên lên
trước rồi tự mình cùng hai tướng Trần Trụ và Đặng Hiền múa thương tấn
công xông lên bờ. Nghĩa binh tuy ít quân hơn nhưng họ đều giỏi võ lại
chiến đấu quên mình nên quân triều đình bị giết rất nhiều. Đinh Cường cố
chết chống cự không cho ba tướng vượt lên bờ, nhưng vì một chọi ba nên
không thể ngăn được ba tướng của địch. Chàng ta bị Trần Trụ và Đặng
Hiền bao vây vào giữa. Dù đã huy động côn đồng tả xung hữu đột nhưng
chàng ta vẫn không sao thoát ra khỏi vòng vây của địch. Sợ quân mình bị
diệt gọn, chàng vội lớn tiếng ra lệnh:
- Anh em lui trước đi, để mình ta đoạn hậu.
Nghĩa binh Truông Mây đồng hô lớn:
- Tướng quân bị vây, chúng tôi cùng liều chết với tướng quân.
Dứt tiếng hô cả bọn vùng lên chiến đấu hết sức bình sinh, không còn coi
sống chết vào đâu. Bọn quân triều đình vốn tham sanh úy tử, thấy nghĩa
binh liều mạng như vậy ai cũng kinh sợ, chùn tay. Vì thế chúng càng bị