Én Liệng Truông Mây - Hồi 37 - Phần 1
Vài ngày sau, hai mươi chiếc thương thuyền rời cửa An Dũ và Đề Gi, chở
theo đoàn di cư đầu tiên lên đến gần ngàn người vào Mỹ Tho. Những người
di dân bấy nay được sự che chở, giúp đỡ của các nghĩa sĩ Truông Mây, giờ
lại được đưa đi định cư ở vùng đất trù phú phương Nam khiến họ cảm kích
đến tận đáy lòng. Với hai bàn tay trắng, họ không biết làm gì hơn để bày tỏ
lòng biết ơn với các nghĩa sĩ ngoài nước mắt. Họ mang theo vào miền đất
mới xa xôi hình ảnh của những chàng hiệp sĩ Truông Mây, mà đặc biệt là
chú Lía - họ gọi thế, cùng những bài vè mộc mạc để ca tụng chàng.
Có người ở phủ Quy Nhơn
Quán Phù Ly huyện gần miền Bích Khê
Cha xưa lính thú thải về
Ăn cận nằm kề sinh được một trai...
Chuyến di dân ấy đã gây một tiếng vang lớn, lan truyền khắp trời Nam.
Những người đói khổ lục tục kéo nhau đến Hoài Nhơn và Phù Ly để xin
vào các trại tị nạn mong tìm sự giúp đỡ. Việc này vô tình đã trở thành một
vấn nạn hết sức nghiêm trọng, làm đau đầu các thủ lĩnh Truông Mây. Trong
một buổi họp, Lê Trung nói:
- Tình trạng dân nghèo kéo đến nương nhờ ngày một đông, chúng ta không
có đủ lương thực để giúp họ. Tôi đã cho lệnh đóng cửa các trại di cư, không
tiếp nhận thêm nhưng dân ăn mày các nơi vẫn đổ xô về. Đã có một số
người già yếu chết vì không chịu nổi cái nóng cực độ của mùa hè năm nay.
Chúng ta phải tìm ra biện pháp gấp, nếu không tình hình sẽ còn tồi tệ hơn.
Lía nói:
- Quả thật là nan giải. Chúng ta đang ở trong hoàn cảnh “bỏ thì thương mà
vương thì tội”. Đành phải giúp họ theo kiểu nhỏ giọt, hi vọng hạn hán sẽ