nông dân. Đây đúng là cái thời của: “hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”
vậy.
Suốt mùa hè, những chuyến tàu lương thực lẻ tẻ từ miền Nam thỉnh thoảng
cập vào hai cảng Đề Gi và An Dũ. Lượng lương thực ấy chỉ đủ để cho đám
dân tị nạn trong trại ngày hai bữa cháo cầm hơi. Các thủ lĩnh Truông Mây
quyết định giữ lại một phần lương thực khả dĩ có thể nuôi quân trong
những ngày chinh chiến sắp tới. Nhiều người già yếu trong các trại thấu
hiểu nỗi khổ tâm của nghĩa binh nên thà nhịn đói chờ chết chứ không chịu
phí lương thực. Họ nói:
- Hãy để dành lương thực cho nghĩa quân có sức đánh giặc. Cầu cho họ
chiến thắng để con cháu chúng ta được sung sướng.
Tình cảnh đó, những câu nói, những tấm lòng thành đó khiến cho người
nghe không cầm được nước mắt. Chỉ có bọn quan lại Phú Xuân là lòng trơ
như đá, quay mặt làm ngơ, lại còn chuẩn bị binh mã để tiễu trừ đám loạn
tặc Truông Mây.
Đầu mùa thu năm đó, Phú Xuân phát động chiến dịch tảo thanh Truông
Mây bằng bốn đạo với số quân lên đến hơn một vạn.
Đạo thứ nhất do nguyên soái Nguyễn Cửu Thống cùng hai phó tướng là tán
lý Trần Hoàng, tổng nhung Thành đem ba ngàn thủy quân, trên năm mươi
chiến thuyền kéo vào tấn công cửa biển Đề Gi.
Đạo thứ hai do tiết chế Nguyễn Phúc Hương và tổng nhung Trương Kế
đem hai ngàn quân từ Quảng Nam vào hợp cùng hai ngàn quân Quảng Ngãi
của Trương Bá Thành đánh phá đèo Thạch Tân.
Đạo thứ ba do Phan Ngọc Chánh cùng Phạm Kiến Tính dùng Trần Trụ làm
tiên phong, đem ba ngàn quân từ phủ Quy Nhơn tấn công Phù Ly.
Đạo thứ tư do Tống Phước Hiệp và Nguyễn Văn Hưng dùng Nguyễn Khoa
Kiên làm tiên phong, đem ba ngàn quân từ Phú Yên vòng qua núi Dương
An vào Vân Canh rồi ngược lên Tây Sơn theo đường Vĩnh Thạnh uy hiếp
Truông Mây.
Tin tức các lộ tiến quân của triều đình nhanh chóng bay về đến Truông
Mây. Mọi người từ thủ lĩnh, chỉ huy cho đến nghĩa binh đều nức lòng chờ
đợi vị quân sư tài ba của họ là Trần Lâm đưa ra kế hoạch tác chiến. Trong