Én Liệng Truông Mây - Hồi 38 - Phần 1
Trời đã vào tiết Lập Thu mà nắng vẫn như thiêu như đốt khiến cho ruộng
đồng nứt nẻ, cây cỏ héo khô, sông hồ cạn kiệt. Một dải đất từ Thanh Hóa
đến Bình Thuận mùa màng mất trắng, chỉ có vùng đồng bằng miền Nam là
còn thu hoạch được. Thỉnh thoảng, một vài trận mưa rào đổ xuống bất chợt
làm bốc lên mùi đất khô, mùi xú uế khiến những con người ốm yếu càng dễ
mắc bệnh hơn. Sự đời thường oái oăm như thế đó. Một khi đã lâm vào cảnh
tai ương thì sẽ bị dồn dập, thật đúng với câu “họa vô đơn chí”.
Tuy nhiên, trong tình trạng tồi tệ, con người bao giờ cũng cố sức vùng vẫy
để thoát ra. Họ quyết định bỏ cái xứ sở quỉ quái, khắc nghiệt này để tìm đến
những nơi tốt hơn mà kiếm sự sống. Và họ lũ lượt ra đi. Dòng người đói
khổ lập thành từng nhóm, kéo lê tấm thân tàn cố đến cho được miền Nam
xa xôi bằng đường thủy, đường bộ, mong tìm miếng cơm ở nơi trù phú đó.
Mười người hết ba, bốn đã bỏ xác dọc đường vì kiệt sức. Những kẻ đồng
hành thương tình đào vội cái hố bên đường, lấp tạm cho chim thú khỏi xé
thây rồi lại tiếp tục cuộc hành trình thiên lý. Người đói thì thú vật cũng
chẳng hơn gì. Những xác chết chôn vội bên đường ấy đã bị chúng đào bới
lên để ăn, mùi hôi thối bay xa trong bầu không khí khô khan nóng bức.
Đúng là cảnh người chết hai lần.
Thiên tai giáng xuống đầu người dân đói khổ, xác chết rải rác khắp nơi
nhưng chẳng thấy triều đình có biện pháp gì cứu giúp. Thật đúng là: “sống
chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Ngay cả những hiệp sĩ Truông Mây đầy
lòng bác ái cũng đành phải nuốt lệ ngồi nhìn đồng bào ruột thịt chết dần
trong các trại tị nạn dọc hai bờ sông Phù Ly và Lại Dương. Tình cảnh này
thì cái câu “kiến nghĩa dũng vi” cũng đành xếp xó mà thôi. Sách vở, đạo lý
thánh hiền bây giờ không bằng một hạt gạo hay hạt muối trong tay người