áp dụng một chính sách đối ngoại chừng mực thay vì chứng tỏ mình mà gây
ra sự nghi ngại. Tránh các cuộc xung đột quốc tế có thể làm xáo trộn nội bộ
đất nước đã trở thành kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc
thời hậu Đặng Tiểu Bình – ngoại trừ các chính sách cứng rắn hơn với Nhật
Bản, Đài Loan và đôi lúc là Hoa Kỳ.
Tại cuộc hội thảo, các học giả Trung Quốc, lưu tâm lời chỉ dẫn của họ
Đặng, luôn miệng nói rằng Trung Quốc không phải, và sẽ không bao giờ trở
thành mối đe dọa của bất cứ ai. Bộ trưởng Ngoại giao Tiền Kỳ Tham khẳng
định rằng “ngay cả khi trở thành một nước phát triển và hùng mạnh, Trung
Quốc sẽ vẫn kiềm chế tư tưởng hiếu chiến và bành trướng.” Những học giả
Trung Quốc đổ vấy “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” cho “những quốc gia
đang tìm kiếm một kẻ thù mới thay thế Liên Xô.”
Tôi trình bày ý tưởng về một nhóm “cường quốc hòa hợp” cho châu Á –
một trật tự mà Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hoa Kỳ cùng phối hợp để duy
trì hòa bình ở châu Á, giống như Áo, Anh, Phổ, Nga và Pháp đã làm ở châu
Âu những năm 1815-1848. Phía Trung Quốc phản đối cách tôi gọi Trung
Quốc là một “cường quốc”. Thế “nước dẫn đầu” có được không? Tôi gợi ý.
Họ gạt đi ngay lập tức. Họ một mực nhận Trung Quốc vẫn còn là một quốc
gia yếu, đang phát triển mà thôi.
Việc Trung Quốc phủ nhận mình là cường quốc xem ra giả dối, phòng vệ
và không thuyết phục. Thiếu tướng Phan Chấn Cường của Đại học Quốc
phòng Trung Quốc là người duy nhất thừa nhận Trung Quốc là một cường
quốc. “Chúng ta phải làm cho các nước quanh ta, kể cả Hoa Kỳ, tin rằng
chúng ta không có ý định hiếu chiến, rằng chúng ta muốn một môi trường
hòa bình để tập trung và phát triển kinh tế. Chúng ta cần phải làm cho mọi
người tin mình, và đó là vấn đề.”