Tình yêu khắc nghiệt cho Đài Loan
Hồ Cẩm Đào đã tạo dựng được sự đồng thuận của giới chức cao cấp xung
quanh một cách tiếp cận song trùng với Đài Loan: một mặt, theo Luật chống
ly khai, đẩy nhanh chuẩn bị quân sự trong nước và đưa ra những tuyên bố
cứng rắn về nguyên tắc nhằm thể hiện sức mạnh của Trung Quốc; mặt khác,
tổ chức các buổi trao đổi thân thiện và cởi mở với công dân Đài Loan nhằm
mục đích chiếm được tình cảm và suy nghĩ của họ. Nguyên tắc chỉ đạo của
Hồ Cẩm Đào, vốn chỉ được lưu truyền nội bộ và chưa được công khai, là
“Sẵn sàng chiến đấu, nỗ lực đàm phán, không ngại trì hoãn”. Trong đó, có
thể thấy điểm cuối hoàn toàn trái ngược với sự thúc bách muốn tái thống
nhất của Giang Trạch Dân. Các cố vấn chính sách có chung quan điểm với
Hồ Cẩm Đào cho rằng ông đã rút ra được bài học từ thất bại của Giang
Trạch Dân, rằng sẽ là quá rủi ro nếu dành trọn sự nghiệp chính trị cho tiến
trình này. Thay vào đó, Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo xác định sứ mệnh của
họ là giúp tầng lớp nghèo ở Trung Quốc thoát khỏi cảnh nghèo khó. Một
giáo sư nhận định, “Hồ Cẩm Đào có đầu óc thực tế hơn hẳn Giang Trạch
Dân”, và “Ông biết không nên trông đợi vào một sự tái thống nhất chỉ trong
một thời gian ngắn.”
Trước khi thực hiện những sáng kiến tích cực mới, Hồ Cẩm Đào tìm cách
nâng cao hình ảnh của mình là một vị lãnh đạo mạnh mẽ, một người không
bao giờ để mất Đài Loan. (Trước đây ông đã được giới quân đội cũng như
liên minh quyền lực hết sức kính nể bởi tính nghiêm khắc trong thời gian
đảm nhiệm vị trí bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Tây Tạng, bởi hành
động sa thải các quan chức cao cấp trong tay ông, những người chịu trách
nhiệm về thất bại trong phòng chống dịch SARS, cũng như sự cố tàu ngầm
năm 2003). Bên cạnh việc ban hành Luật chống ly khai, Hồ Cẩm Đào cũng
đưa ra một số tuyên bố nguyên tắc mới. Tuyên bố ngày 17 tháng Năm năm
2004 đã nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng giới làm chính sách