Một tổng thống Đài Loan yếu thế
Vào tháng Hai năm 2006, Trần Thủy Biển lại gây ngạc nhiên khi đột
nhiên công bố kế hoạch bãi bỏ Hội đồng Thống nhất Quốc gia, vốn có giá trị
tượng trưng quan trọng. Nhiều khả năng ông hy vọng hành động này sẽ giúp
ông lấy lại uy tín đang sụt giảm của mình tại quê nhà, khi mà người dân Đài
Loan đang mất dần niềm tin vào khả năng xử lý của Trần Thủy Biển đối với
những khó khăn nội bộ ngày một gia tăng, vấn đề eo biển Đài Loan cũng
như mối quan hệ với Washington.
Nếu đó là chủ đích của Trần Thủy Biển thì ông đã tính sai nước cờ. Chính
quyền Bush đã đưa ra lời cảnh báo, công khai yêu cầu chính phủ Đài Loan
“làm rõ” quan điểm của mình để giải thích rằng thực sự không có chuyện
“bãi bỏ” Hội đồng mà chính Trần Thủy Biển đã từng cam kết duy trì. Còn
trong hậu trường, chính quyền Hoa Kỳ đã gấp rút đàm phán với Đài Loan đề
nghị chính phủ này đưa ra một tuyên bố khác khẳng định sự tuân thủ cam
kết trước đây của Trần Thủy Biển. Tuy nhiên, nỗ lực của Hoa Kỳ không đạt
kết quả, phát ngôn viên chính phủ Hoa Kỳ đã có bài phát biểu bày tỏ “cách
hiểu” của Hoa Kỳ về vấn đề này. “Hội đồng Thống nhất Quốc gia không bị
giải tán sau tuyên bố trên, tình trạng quan hệ hai bờ eo biển vẫn được duy trì
và lời cam kết trước đây của Trần Thủy Biển còn nguyên giá trị.”
Tuy nhiên, kế sách này của Trần Thủy Biển đã khiến người dân Đại lục
phẫn nộ và theo lời một cố vấn chính sách thì đã có những cuộc biểu tình
trong nước bày tỏ sự tức giận kèm theo nỗi thất vọng khi các nỗ lực cải thiện
quan hệ của Trung Quốc không thể ngăn Trần Thủy Biển thực hiện hành vi
xúc phạm như vậy. Người dân không thể làm gì ngoài chỉ trích. Các phương
tiện truyền thông được chỉ đạo không làm trầm trọng hóa vấn đề nhằm giảm
áp lực từ dư luận buộc chính phủ phải sử dụng những biện pháp mạnh mẽ
hơn, thay vì chỉ dùng lời lẽ.