Yếu tố quan trọng nhất giúp Bắc Kinh tiếp tục kiềm chế là việc
Washington công khai trừng phạt Trần Thủy Biển, và đây là một điều khá
đặc biệt. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tiếp tục đặt niềm tin vào sự ủng hộ của Hoa
Kỳ sau cuộc hội đàm với Tổng thống Bush tại Nhà Trắng vào tháng Tư năm
2006. Tổng thống Bush, vốn đang mất dần kiên nhẫn với Trần Thủy Biển,
đã ngầm ủng hộ Hồ Cẩm Đào giữ vững quan điểm về quan hệ hai bờ eo biển
sau sự kiện bất ngờ trên. Theo một cố vấn chính sách tại Bắc Kinh, Bush đã
nói với Hồ Cẩm Đào: “Chính sách của tôi với Đài Loan sẽ không thay đổi.
Nếu ông có bất cứ vấn đề nào (liên quan đến Đài Loan) trong thời gian tới,
hãy gọi tôi.”
Cùng lúc đó thì sự nghiệp chính trị của Trần Thủy Biển cũng đang trượt
dốc. Bị bủa vây trong những xì căng đan tham nhũng liên quan đến gia đình,
đồng sự và của chính bản thân, họ Trần suýt soát vượt qua cuộc bỏ phiếu tín
nhiệm chính phủ với một vài phiếu, giữ được cương vị, nhưng áp lực căng
thẳng buộc ông từ chức vẫn còn rất lớn. Dưới sự chỉ huy của Thi Minh Đức,
một quan chức lão thành được kính trọng cùng đảng với Trần Thủy Biển,
nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn đã được tổ chức trong suốt nhiều tháng và
cản trở các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc khánh Đài Loan. Đệ nhất phu
nhân cùng ba nhân viên văn phòng tổng thống đã bị truy tố và một công tố
viên cho biết Trần Thủy Biển cũng sẽ lâm vào hoàn cảnh tương tự ngay khi
ông rời khỏi văn phòng tổng thống, nơi ông được hưởng chế độ miễn truy
tố. Ngay cả khi Trần Thủy Biển xoay xở để tại vị đến hết nhiệm kỳ của mình
vào tháng Ba năm 2008, thì việc ông thực hiện bất cứ mục tiêu nào trong
chương trình nghị sự trong nước đều rất khó khăn.
Trong khi đó tại Đại lục, mặc dù đang khá hả hê trước những vấn đề nội
bộ mà Trần Thủy Biển gặp phải thì chính quyền Hồ Cẩm Đào vẫn chưa thực
sự an tâm khi Trần tỏ ra quyết tâm thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý để
sửa đổi hiến pháp Đài Loan, theo đó sẽ thiết lập chủ quyền là một quốc gia
độc lập. Theo cách nhìn nhận của Bắc Kinh, Trần Thủy Biển vẫn là một kẻ
nguy hiểm ngay cả khi bị yếu thế và lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng. Vấn đề
cơ bản mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt là từ khi nền dân chủ