Tăng cường kiểm soát dân sự đối với quân đội
So với thế hệ lãnh đạo từng tham gia cuộc Vạn lý Trường chính và sát
cánh với quân đội trong cuộc cách mạng, các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay
ít tin tưởng hơn vào sự ủng hộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Mặc dù phe quân đội không còn đại diện trong Thường vụ Bộ chính trị và
dường như tập trung vào các vấn đề quốc phòng hơn là các vấn đề chính trị,
vai trò kiểm soát của phe dân sự đối với quân đội vẫn chưa đủ tầm. Do vậy,
lãnh đạo Trung Quốc không thể từ chối các yêu cầu ngân sách của quân đội
vì lo ngại làm những người đang cầm súng này xa lánh họ, bằng chứng là
kinh phí hằng năm cho quân đội luôn tăng ở mức hai con số. Mặc dù so với
các chính khách dân sự, các tướng lĩnh quân đội theo lẽ thường hiểu rõ hơn
về thiệt hại nhân mạng do chiến tranh gây ra, họ vẫn muốn sử dụng những
khu trục hạm, tàu ngầm và máy bay chiến đấu sắm được từ nguồn kinh phí
khổng lồ đó. Chiến tranh có thể là sản phẩm phụ của việc nâng cao năng lực
quân sự. Một biện pháp tốt để giảm bớt nguy cơ này là minh bạch hóa ngân
sách và tiến hành thảo luận cởi mở về ngân sách quốc phòng tại Quốc hội
Trung Quốc. Hiện giờ, ngân sách của chính quyền trung ương và quân đội
được coi là bí mật quốc gia. Việc cho phép Quốc hội thảo luận về mối ưu
tiên tương xứng giữa các chương trình quốc phòng và dân dụng (một cuộc
tranh luận về “súng và bơ”) sẽ giúp giám sát tốt hơn hoạt động chi tiêu quốc
phòng và nâng cao vai trò của các cơ quan lập pháp trong việc đáp ứng các
nhu cầu quốc nội trước tiên.