Tôn trọng Trung Quốc
Sau một thế kỷ phải đứng bên lề chính trường quốc tế, lãnh đạo và công
chúng Trung Quốc khao khát được tôn trọng và sự ủng hộ của cộng đồng
quốc tế, đặc biệt từ phía Hoa Kỳ. Trung Quốc đã buộc các nước láng giềng
ký các tuyên bố song phương chính thức về quan hệ đối tác, thay vì chỉ dừng
lại ở mức quan hệ hữu nghị. Trung Quốc cũng coi các biểu hiện của sự tôn
trọng, ví dụ các chuyến thăm nhà nước, như là dấu hiệu khẳng định thế giới
đã sẵn sàng coi Trung Quốc là một cường quốc lớn.
May mắn thay, đối với Washington, tỏ ra tôn trọng là biện pháp dễ thực
hiện, hơn là các kiểu khuyến khích hợp tác mà Quốc hội thấy rất khó chấp
nhận. Chuyến thăm cấp nhà nước năm 1997 của Giang Trạch Dân đã khiến
ông này có quan hệ cá nhân chặt chẽ với Tổng thống Clinton và góp phần
tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ. Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Nhà
Trắng, Hồ Cẩm Đào đã muốn kết thúc bằng một cuộc chiêu đãi cấp nhà
nước với đầy đủ các lệ bộ, thay vì đến thăm trang trại của Tổng thống Bush
ở Texas vào cuối tuần theo lời mời ban đầu. Đối với Trung Quốc, các lễ nghi
chính thức hàm chứa sự tôn trọng nhiều hơn là các cử chỉ thân mật không
chính thức. Chính quyền Bush đã phạm sai lầm khi từ chối đề nghị của phía
Trung Quốc và chỉ bố trí một bữa tiệc trưa cho Hồ Cẩm Đào tại Nhà Trắng.
Chúng ta nên tỏ ra tôn trọng lãnh đạo Trung Quốc nhiều hơn nữa. Những
hoạt động lễ tân được quảng bá rộng rãi này sẽ làm hài lòng các lãnh đạo
Trung Quốc và giúp làm sâu sắc hơn cam kết của họ về quan hệ với Hoa Kỳ.
Tính biểu tượng của những lễ nghi này cũng giúp nâng cao hình ảnh của họ
ở trong nước, từ đó làm giảm bớt nhu cầu vận động sự ủng hộ nội bộ bằng
cách thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cứng rắn.
Việc đưa Trung Quốc trở thành thành viên của tất cả các diễn đàn đa
phương quan trọng nâng cao vị thế của Trung Quốc và lãnh đạo nước này,
đồng thời khiến họ cảm thấy có ý thức trách nhiệm mạnh mẽ hơn trong việc