học cho chúng tôi, vừa phải lo toan công việc đồng áng nặng nề, chưa kể
bao nhiêu thứ nợ nần bức bách, vậy mà mẹ vẫn chỉ một thân một mình
chống chọi với tất cả, đó thực sự là một gánh nặng chẳng dễ gì kham nổi!
Mỗi lần từ trường về nhà, nghe hàng xóm kể, mẹ ngày nào cũng sáng
sớm tinh mơ là mang theo cơm nước ra đồng, đến tối mịt mới trở về. Căn
nhà nông thôn rộng lớn nhường ấy, mà chỉ có mẹ thui thủi một mình, vừa
mệt vừa đói, còn phải tự nấu cơm, đun nước, cho lợn gà ăn… Nghĩ đến tình
cảnh thê lương ấy, lòng tôi đau xót tột cùng, chỉ biết cầu xin mẹ: bán hết
ruộng vườn đi! Nếu không hãy cho con nghỉ học! Mẹ vừa khóc vừa mắng
tôi, bảo tôi không phải lo bất cứ việc gì cả, chỉ cần cố gắng học thật giỏi để
không phụ lòng cha và mẹ. Mẹ ơi! Có ai vì chúng con mà phải chịu bao vất
vả, không mảy may mong cầu báo đáp như mẹ không?
Bây giờ mẹ đã ngoài sáu mươi tuổi rồi, bảy đứa con mẹ vất vả dưỡng
dục đều đã khôn lớn nên người, đứa nào đứa nấy có nghề nghiệp đàng
hoàng, bà con chòm xóm đều khuyên mẹ nghỉ ngơi an hưởng tuổi già,
những đứa con từng được hưởng nền giáo dục “văn minh” như chúng tôi
càng không muốn mẹ phải ngày ngày làm những công việc nặng nhọc như
xưa, thường khuyên mẹ bán hết ruộng nương đi, nhưng mẹ vẫn một mực
giữ quan điểm có phần cố chấp của mẹ: cho dù thời đại có thay đổi thế nào,
thì con người vẫn phải lao động mới có cái ăn. Mẹ còn có sức, còn đi lại
được, sao không làm việc được? Huống hồ, bao nhiêu món nợ tích lại từ
trước đến giờ còn chưa trả hết, không làm việc thì lấy gì mà trả nợ? Để chờ
các con trả nợ mà làm khổ các con à?
Mẹ chỉ nhận biết được mấy chữ số, không hiểu gì về những lý lẽ cao
xa, không có kiến thức hay sự nghiệp phi thường gì, càng không có những
mơ ước xa vời. Nhưng, cuộc đời không xa hoa phù phiếm, không kêu ca
oán thán, an phận thủ thường, siêng năng cần mẫn, tràn ngập yêu thương
của mẹ lại chính là một cuốn sách dày, viết nên những tâm tư bất tận,
những triết lý sâu xa.