CHƯƠNG
VI
— Ồ, Bach! Sebastian Bach!
Thưa bà thân mến! - Ông Edmund Pfühl,
người chơi đại phong cầm ở nhà thờ Sankt Marien nói to. Lúc đó ông đang
đi đi lại lại trong phòng khách, vẻ xúc động, còn bà Gerda thì ngồi trước
chiếc đàn piano, đưa tay chống đầu mỉm cười. Chú Hanno cũng ngồi trên
chiếc ghế tựa gần đấy, hai tay ôm lấy đầu gối, chăm chú nghe - Tất nhiên
rồi, đúng như bà nói, sở dĩ hòa thanh học có thể thắng đối vị học là nhờ công
lao của Jean Sebastian Bach sáng tạo ra hòa thanh học, điều đó không cần
phải nói nhiều nữa... Nhưng ông đã sáng tạo như thế nào? Chả nhẽ tôi còn
cần giải thích với bà nữa sao? Chẳng phải là thông qua việc phát triển không
ngừng đối vị học sao? Điều ấy, bà hiểu không kém gì tôi. Nhưng nguyên
nhân thúc đẩy sự phát triển này là gì? Là hòa thanh học ư? Không phải, nhất
định không phải! Chính là đối vị học, thưa bà kính mến ạ! Là đối vị học!
Xin hỏi việc thí nghiệm hòa thanh thuần túy sẽ dẫn chúng ta đến chỗ nào?
Hễ tôi còn hơi sức nào thì nhất định tôi sẽ khuyên bà không nên làm thí
nghiệm hòa thanh đơn thuần như vậy...
Câu chuyện đó, ông nói rất say sưa, ông để cho tình cảm ông phóng túng,
bởi vì trong phòng khách này ông được tự nhiên như ở nhà. Hàng tuần, cứ
chiều thứ tư, ông thường xuất hiện ở đây với cái thân hình to lớn, vai lúc nào
cũng nhô lên, khoác cái áo đuôi én màu cà phê dài quá đầu gối. Trong khi
chờ những người nhạc công đến hòa tấu với mình, ông thường chiếu lệ mở
chiếc đàn piano Bechstein ra chỉnh đốn lại tập nhạc để trên giá chạm hoa, rồi
nhẹ nhàng dạo thử một khúc, tư thế rất đẹp, đầu lúc nghiêng về vai bên này,
lúc nghiêng về vai bên kia, tỏ ra bằng lòng với mình lắm.
Tóc ông rất dày, giữa mớ tóc rậm màu đỏ lẫn những đám màu tro xoắn
lại, làm cho đầu ông trông có vẻ to lắm. Mặc dù vậy, cái đầu ấy ở trên cái cổ