dài ngoẵng kia cũng thoải mái vô cùng. Yết hầu của ông rất to, lồi hẳn ra
ngoài cái cổ áo lật hẹp khổ. Bộ râu mép cùng màu với tóc ông, không xoắn
lại mà cứ lồm xồm, trông càng thấy rõ hơn cái mũi tẹt của ông. Đôi mắt màu
nâu tròn tròn của ông sáng ngời, nhưng khi ông biểu diễn thì lại có vẻ mơ
mơ màng màng, như đã nhìn thấu suốt một vật gì đó rồi ngừng lại. Làn da ở
phía dưới mắt hơi cộm lên, y hệt hai cái túi nhỏ. Dung mạo ấy không lấy gì
làm đẹp lắm nhưng cũng có vẻ thông minh, lanh lợi. Mắt ông thường lim
dim, môi ông thường mím chặt, nhưng cái cằm cạo nhẵn thín của ông lại xệ
xuống, chứng tỏ ông thiếu hẳn ý chí. Chính vì vậy mà miệng ông trông nhu
nhược, trì độn của người tâm trí để ở đâu đâu. Cái vẻ mặt đó, chúng ta
thường thấy ở những kẻ ngủ say...
Đối lập với vẻ nhu nhược bề ngoài ấy là tính cách nghiêm nghị và đứng
đắn của ông. Ông Pfühl là người chơi đại phong cầm nổi tiếng, sự hiểu biết
của ông về đối vị học lại càng lừng danh. Cuốn sách bàn về âm nhạc trong
nhà thờ ông xuất bản đã được mấy học viện âm nhạc giới thiệu làm tài liệu
tham khảo. Còn những bài thơ phổ nhạc ông sáng tác cũng như những bài
hợp xướng ông cải biên thì nơi nào dùng đại phong cầm để hòa tấu, đều có
thể nghe thấy.
Tác phẩm của ông cũng như những buổi hòa tấu của ông ở nhà thờ Sankt
Marien ngày chủ nhật đều tuyệt diệu, không chê vào đâu được, chan chứa
tinh thần cao cả và đầy đủ tính logic chặt chẽ của loại nhạc trang nghiêm.
Cái đẹp của tác phẩm này khác hẳn với cái đẹp của những tác phẩm trần tục,
nên tình cảm chúng diễn đạt không làm rung động trần tục. Tình cảm mà
những bản nhạc đó muốn diễn tả hay nói đúng hơn, điều mà những bản nhạc
đó ngợi ca là kỹ xảo đã phát triển thành khổ hạnh của tôn giáo, là những cái
tuyệt đối thiêng liêng; bản thân nó đã trở thành kỹ xảo thành thục của đối
tượng mà nó diễn tả. Ông Pfühl coi thường những bản nhạc chỉ nhằm cho
hài hòa êm ái; mà những bản melody hay, ông cũng tỏ vẻ không thèm để ý
tới. Nói ra cũng lạ, ông không phải là người khô khan, không có tình cảm.
Mặt ông trở nên nghiêm nghị dễ sợ khi nhắc đến tên Palestrina
trong khoảnh khắc khi ông trình diễn mấy tác phẩm cổ điển thì mặt ông lại
trở nên hòa nhã, say đắm, mơ màng, mắt ông nhìn chăm chăm vào nơi xa