với tiến sĩ Gieseke, ông ta đã nói những lời để lại cho cô ấn tượng rất sâu.
Những lời đó là: “Trong số đồ tư trang, có những thứ như châu báu có thể
coi là một phần của hồi môn, khi không lấy nhau nữa, phải trả lại cho bên
gái”. Về khoản châu báu, vốn chẳng có gì thì gặp ai cô cũng nói. Chị Ida
Jungmann, cô Klothilde đáng thương, ba chị em họ Buddenbrook ở phố
Breiten đều biết chuyện này cả. Nhân tiện nói qua về ba chị em ở phố
Breiten một tí. Sau khi các cô biết vụ ly dị này, các cô vòng tay lại, nhìn
nhau, vừa mừng vừa lo, không thốt ra được lời nào cả. “Trời có mắt, thế nào
cũng ly dị!”. Quả là họ đoán đúng... Tất nhiên, Tony cũng nói cho cô
Therese Weichbrodt biết chuyện châu báu đó, (hiện giờ Erika Grünlich lại
học ở chỗ cô ấy), thậm chí cô còn nói với bà Kethelsen nữa; đáng tiếc là vì
nhiều nguyên nhân, bà Kethelsen không hiểu gì hết!
Chuyện ly dị đã được xử chính thức. Ngày có hiệu lực về mặt luật pháp
đã đến. Hôm ấy Tony làm xong thủ tục cần thiết cuối cùng. Cô lấy ở
Thomas quyển sổ ghi chép những chuyện xảy ra trong gia đình, tự tay viết
thêm chuyện này vào... Việc cần làm bây giờ chỉ là thói quen sẵn có mà
thôi! Cô đã làm việc đó rất dũng cảm. Những lời châm chọc như một mũi
dao con của ba chị em họ Buddenbrook, cô chỉ cho là gió thoảng ngoài tai.
Vẻ mặt của cô vẫn ngạo nghễ như cũ, không hề thay đổi chút nào. Khi gặp
những người trong gia đình Hagenström và Möllendorpf, cô vểnh mặt lên,
lạnh lùng nhìn qua đỉnh đầu họ. Cô bỏ hết mọi hoạt động xã giao. Tiện đây
cũng xin nói là mấy năm nay, những hoạt động xã giao đó không tổ chức tại
tòa nhà cũ ở phố Meng nữa mà chuyển sang ngôi nhà mới của ông tham. Cô
chỉ có mấy người thân ở trong gia đình: bà cụ tham, Thomas, Gerda, chị Ida
Jungmann và cô Sesemi Weichbrodt, một người bạn cô coi như mẹ hiền và
Erika. Cô vẫn quan tâm đến việc dạy bảo Erika để nó được hấp thụ một nền
giáo dục “cao quý”. Chưa biết chừng niềm hy vọng thầm lặng cuối cùng của
cô gửi gắm vào tiền đồ của Erika cũng nên. Cô sống như thế, và thời gian cứ
thế lặng lẽ trôi qua.
Sau đó, không hiểu bằng cách nào, có người trong nhà biết được “câu
nói” trí mệnh kia, tức là câu Permaneder buột miệng chửi ra hôm ấy. Rốt cục
ông ta đã chửi như thế nào? “Chui xuống địa ngục đi, đồ con đĩ”.