Điều đó, người nào nhìn nhận sự việc bằng lý trí, chắc chắn hiểu được... Cô
ấy không muốn trở về Munich nữa, trông cô ấy có vẻ kiên quyết lắm... Vấn
đề đặt ra bây giờ là thái độ của Permaneder đối với việc này như thế nào.
Sau mấy ngày chờ đợi căng thẳng, thư trả lời của Permaneder đã đến.
Những điều ông ta viết trong thư trả lời hoàn toàn ngoài sự tưởng tượng
của mọi người, dù tiến sĩ Gieseke, bà cụ tham hay Thomas, thậm chí cả
Tony nữa, cũng không thể ngờ trước được. Ông ta hoàn toàn đồng ý để bên
gái ly dị.
Ông ta viết trong thư rằng ông ta rất lấy làm tiếc về chuyện đã xảy ra,
nhưng ông ta tôn trọng nguyện vọng của Antonie, vì ông ta thấy rõ rằng
Tony và ông ta, “mãi mãi không bao giờ hợp với nhau được”. Nếu như có
một thời gian ông ta đã mang lại đau khổ cho Tony thì ông ta mong cô hãy
quên đi, và hãy tha thứ cho ông ta... Vì có lẽ ông ta không còn được gặp lại
Tony và Erika nữa, ông ta xin chúc hai mẹ con luôn luôn khỏe mạnh và hạnh
phúc... Alois Permaneder. Trong phần tái bút cuối thư, ông ta còn nói rõ là
sẽ trả ngay số tiền hồi môn cho cô. Không có số tiền đó, ông ta cũng có thể
sống không đến nỗi chật vật lắm. Ông ta không cần kéo dài thời gian trả
tiền, vì ông ta không cần chờ thanh toán hàng họ gì hết. Ngôi nhà ấy chính
là nguồn sống của ông ta, bất cứ lúc nào ông ta cũng có thể lấy tiền ra được.
Hình như Tony hơi xấu hổ. Lần đầu tiên cô cảm thấy Permaneder không
coi trọng tiền tài, kể ra thì cũng đáng khen thật!
Bây giờ tiến sĩ Gieseke mới lại đứng ra giải quyết. Ông ta liên hệ với bên
trai, bàn về lý do ly hôn, cuối cùng nhất trí là “tình cảm hai bên sứt mẻ cản
trở cho việc tiếp tục duy trì quan hệ vợ chồng”. Thế là đơn xin ly dị lần thứ
hai của Tony gửi tòa được đưa ra xét xử. Cô hết sức cẩn thận và chăm chú
theo dõi sự tiến triển của vụ án với con mắt của người sành sỏi. Suốt ngày,
cô nói đến chuyện đó, đi đâu cũng nói làm cho ông tham mấy lần không kìm
được, phải nổi giận. Lúc đầu, cô không hiểu được tại sao ông tham lại bực
bội như vậy. Trong đầu óc cô toàn là những danh từ luật pháp như “sinh
trưởng”, “tiền đồ”, “điều kiện kèm theo”, “quyền về của hồi môn”, “nhân
chứng”, “vật chứng”. Hơi một tí là cô vênh mặt lên, nhún vai nói một cách
say sưa và lưu loát những từ đó ra. Có một lần, khi cô trao đổi các vấn đề