“Có chuyện gì vậy?”, giọng tôi vẫn lạnh tanh, không mang sắc thái tình
cảm.
“Là như thế này”, lúc này giọng bà hơi gấp gáp hơn, “Một tháng nữa, mẹ sẽ
về Thượng Hải vài ngày. Hơn mười năm chưa về…”. Nói tới đây, bà ngừng
lại, như chất chứa nhiều điều đau buồn. Xem ra, đúng là bà đã rời đó được
hơn mười năm rồi.
“Ngoài ra, mẹ cũng muốn cho con biết”, ngần ngừ một lúc, bà nói tiếp,
“Mẹ đang làm thủ tục li dị với Alison”.
Alison là ông chồng Austria của bà. Tôi đã từng gặp ông ta một lần tại
Thượng Hải.
Đó là năm tôi mười bảy tuổi, bố tôi vừa chết chưa đầy một năm. Một hôm,
mẹ đưa tôi tới nhà hàng dùng đồ ăn Tây có tên “Nhà Đỏ” trên đường
Thiểm Tây Nam Lộ. Đó là tiệm ăn kiểu Pháp đầu tiên ở Thượng Hải trước
thập niên 70. Sau giải phóng, qua đận “cách mạng văn hóa” tới cuối thập
niên 90 của thế kỉ trước, nơi đây luôn là nơi người Thượng Hải thể nghiệm
cuộc sống kiểu châu Âu thời thượng.
Hôm đó, mẹ tôi đặc biệt trang điểm kĩ. Còn nhớ hôm đó mẹ mất hai tiếng ở
tiệm làm đầu gần nhà, làm thành kiểu tóc lượn sóng lớn, lại vuốt thêm dầu,
nom mềm mại và bóng sáng. Mẹ mặc chiếc áo dài Thượng Hải tự tay may,
vải bông thêu hoa bằng tơ thật màu xanh lam nước biển, từ ngực áo đến eo
được thắt bằng những cái cúc hình hoa cúc. Mẹ biết may loại áo này từ lâu,
chỉ vì cuộc sống gia đình luôn đơn giản bình dị, thường nhật không có cơ
hội để mặc, thế nên từ trước tới giờ hầu như mẹ chưa từng mặc loại trang
phục long trọng và đẹp đến vậy. Hôm đó, tôi được mẹ yêu cầu gội đầu, rồi
buộc tóc bằng một sợi dây tơ đỏ, mặc váy áo đẹp nhất.
Đi được nửa đường, tôi vứt sợi dây buồn cười đó ra, không hề muốn đi ăn
bữa tối này, cũng không muốn gặp ông già ngoại quốc đó. Trước đó mẹ kể,
mẹ đọc được một quảng cáo tìm bạn đời trên một tờ báo Thượng Hải, liền
viết thư và gửi ảnh cho ông ta. Lần này, ông ta tới Thượng Hải để gặp mấy
người trong số những ứng cử viên đó. Yêu cầu của ông ta là người nào có
con cái nhất định phải mang con tới cùng gặp mặt.
Theo bản năng, tôi nhận thấy được vẻ kiêu ngạo, thực tế và thông minh của