Đầu tư trong nước -
Nguồn nội lực đang suy yếu
H
ai mươi lăm năm trước đây, khi bắt đầu thực hiện chủ trương Đổi Mới
nền kinh tế, Việt Nam cũng đồng thời Mở Cửa, với hy vọng tiếp nhận
nguồn ngoại lực mới mẻ giúp khai thông và phát huy nguồn nội lực đầy
tiềm năng của đất nước đang suy yếu vì trải qua chiến tranh và gần như
đóng băng trong suốt thời kỳ kinh tế bao cấp và khép kín. Quyết sách Mở
Cửa đã mang lại những thành tựu cho nền kinh tế Việt Nam hơn cả kỳ
vọng. Nguồn ngoại lực ban đầu tuy ít ỏi nhưng cũng có tác dụng tốt, và tự
thân tư duy mở cửa thông thoáng với bên ngoài cũng đã giúp cởi trói, khai
thông nguồn nội lực quốc gia, biến nó thành đầu tàu của tăng trưởng kinh
tế. Trong 5 năm đầu mở cửa (1991-1995), GDP Việt Nam đã tăng trưởng
rất ngoạn mục, bình quân 8,2%/năm, gần gấp đôi mức tăng trưởng bình
quân GDP 4,4%/năm của 5 năm trước đó (1986-1990). Từ năm 1996 đến
2000, tuy có chịu ảnh hưởng ít nhiều của cuộc khủng hoảng tài chính châu
Á năm 1997, tăng trưởng bình quân của GDP nước ta vẫn ở mức khá
(6,9%). Tiết kiệm trên GDP cũng gia tăng mạnh mẽ cho thấy nội lực đang
tích tụ: năm 1990, tỷ lệ tiết kiệm/GDP chỉ có 8,5%, đến năm 2000, tỷ lệ
này là 27%, gấp hơn 3 lần. Tỷ lệ tạo lập tài sản vốn cố định gộp (groos
fixed capital formation) trên GDP vào năm 2000 là 29%, gấp đôi so với
năm 1990 (14,4%). Từ năm 2000 đến năm 2005, tốc độ tăng trưởng GDP
đạt mức bình quân 7,38%/năm. Trong 3 năm 2005, 2006 và 2007, tốc độ
tăng trưởng GDP đạt trên 8%/năm, đạt đỉnh vào năm 2007 với mức 8,46%.
Có thể khẳng định rằng, các yếu tố nội lực (nguồn vốn, nguồn nhân lực, tài
nguyên thiên nhiên...) đã từng bước khẳng định vai trò quyết định trong
suốt quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 10 năm Đổi Mới, từ
1991 đến 2006.