Định hướng rồng bay
M
ột đợt sóng đầu tư thứ hai, như nhận định của các nhà phân tích kinh
tế, đang đổ vào Việt Nam, với quy mô và cường độ cao hơn đợt sóng đầu
tiên trong giai đoạn 1991-1997, khi chính sách Đổi Mới-Mở Cửa bắt đầu
được triển khai. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã bắt đầu tăng mạnh trong hai
năm 2004 (41%) và 2005 (50%). Tổng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện
cho đến cuối năm 2006 lên đến 60 tỷ đô la. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình
quân trong 5 năm qua (2001-2006) là 7,5%, đứng đầu so với các nước
thành viên trong khối ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người (2006) là
640 đô la, tăng gấp 3 lần so với thời kỳ bắt đầu đổi mới.
Nhiều dự báo khác nhau đều tiên đoán tốc độ tăng trưởng trong những
năm sắp tới của Việt Nam sẽ trên 8%/năm. Tuy nhiên, cũng có không ít
những cảnh báo. Con thuyền kinh tế Việt Nam cần được hoàn chỉnh và
củng cố để chuẩn bị vượt biển lớn ra khơi, nơi sẽ có nhiều đàn cá to nhưng
cũng không ít những cơn sóng dữ của cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt
Nam nếu không tìm được cho mình những vùng lặng của đại dương xanh
sẽ có rất ít cơ may tồn tại. Nhưng họ không thể tự mình giải quyết các vấn
đề. Bài toán phải đương đầu sắp tới cần được giải đáp bởi nỗ lực của toàn
thể cộng đồng dân tộc.
Củng cố và hoàn chỉnh con thuyền cần những cải cách. Các chương trình
cải cách không hề thiếu trong chiến lược phát triển của chúng ta. Một cách
công khai, chúng ta cũng tỏ ra không hề thiếu quyết tâm cải cách. Trong
nhiều thập niên, cải cách tiếp nối cải cách, nhiều kết quả đáng khích lệ
nhưng trên thực tế, chúng đã không đạt đến những thành công như mong
đợi. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong hai thập niên vừa qua được
thế giới đánh giá cao, nhưng còn quá xa để có thể gọi là thần kỳ như Nhật
Bản sau Thế Chiến II. So với mong muốn của cộng đồng dân tộc, chúng ta
đã tiến quá chậm trên con đường hướng đến thịnh vượng. Chúng ta đi chậm
vì chưa xây dựng được một nền kinh tế có chi phí thấp và hiệu quả cao.