Như vậy, dù là kết quả của một tiến trình phát triển kinh tế tự nhiên hay
chịu áp lực của toàn cầu hóa, lao động trong nông nghiệp vẫn phải rời bỏ
ruộng đồng, rời bỏ nông thôn để tìm công ăn việc làm tại các thành thị. Đó
là một sự di dân của phát triển kinh tế, dù rằng có lúc, nếu không kiểm soát
nổi, nó trở thành gánh nặng xã hội và môi trường, nguyên nhân xa gần của
sự lan tràn tệ nạn xã hội và sự hình thành các khu nhà ổ chuột tại các thành
thị. Nhưng hiện tượng di dân cũng có mặt tích cực: nó cung ứng nguồn lao
động cần thiết cho một nền công nghiệp đang trên đà phát triển, tạo điều
kiện cho sự tích tụ ruộng đất tại nông thôn để thực hiện cơ giới hóa và công
nghiệp hóa nông nghiệp, làm tăng năng suất lao động trong nông nghiệp,
và kết quả cuối cùng là giúp nông dân làm giàu. Đó là một tiến trình của
phát triển và xảy ra dù nhanh hay chậm cũng không thể đảo ngược, và
không nên đảo ngược, vì điều đó đồng nghĩa với sự suy thoái kinh tế. Vấn
đề đặt ra là nên chủ động thúc đẩy và kiểm soát tiến trình này như thế nào
nhằm tối thiểu hóa các hậu quả tiêu cực và phát huy tối đa các kết quả tích
cực.
Cần phải có một chiến lược phát triển nông thôn dài hạn cùng những
biện pháp thực hiện đúng đắn, phù hợp. Mục tiêu đặt ra đã rõ: nông nghiệp
cần có năng lực cạnh tranh cao hơn để tồn tại trong toàn cầu hóa, năng suất
nông nghiệp phải tăng và thu nhập nông dân phải được nâng cao. Tín dụng
với những điều kiện hợp lý phải được cấp tận tay nông dân giúp họ đầu tư
cải tạo đất đai, cải thiện giống, áp dụng cơ giới hóa và dự trữ nông sản.
Những hỗ trợ miễn phí về kiến thức khuyến nông, kỹ thuật canh tác… cần
được đẩy mạnh. Các cơ sở hạ tầng, đường sá, kênh rạch, cầu cống, điện
nước, hệ thống thủy lợi… cần được xây dựng nhanh chóng để giúp nông
dân sớm cải thiện năng suất sản xuất và giúp họ mang nông phẩm của mình
trực tiếp đến các chợ. Hệ thống giáo dục, đào tạo, y tế cần được xây dựng
rộng rãi tại nông thôn và mở rộng đến các vùng hẻo lánh, vùng sâu vùng
xa. Những chính sách phù hợp về đất đai, thuế nông nghiệp, giá dịch vụ
công, dịch vụ hạ tầng... rất cần thiết để người nông dân cải thiện cuộc sống
hiện nay và thực hiện được kế hoạch đổi mới cuộc sống trong tương lai cho