phản ánh một thực trạng là sản xuất có khó khăn, đặc biệt là với những
doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên không phải chỉ có đông đảo doanh
nghiệp nhỏ ngã xuống một cách thầm lặng, còn có những trường hợp vỡ nợ
khá ồn ào của những doanh nghiệp lớn, với số nợ mất khả năng thanh toán
lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Những tác động của việc phá sản hàng loạt
doanh nghiệp đối với nền kinh tế không nhỏ. Số lượng công ăn việc làm
giảm đi và tỷ lệ người lao động thất nghiệp gia tăng.
Mặt khác, hệ quả của việc doanh nghiệp phá sản còn tác động xấu đến hệ
thống ngân hàng. Tại Hải Phòng, các doanh nghiệp thép đang nợ ngân hàng
khoảng 4.000 tỷ đồng tiền vay để đầu tư vào các dự án sản xuất thép với
thiết bị sản xuất nhập khẩu lạc hậu, công suất thấp, tiêu hao lớn được đưa
về với giá cao. Tại Cần Thơ, một doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản đã
mất khả năng trả nợ cho các ngân hàng số tiền vay lên đến gần 1.500 tỷ
đồng.
Những kinh nghiệm xương máu mà các doanh nghiệp Việt Nam vừa trải
qua cũng là bài học cay đắng mà đồng nghiệp của họ ở các nước công
nghiệp phát triển đã nếm trải.
Bài học thứ nhất: Không nên lạm dụng đòn bẩy tài chính trong thời kỳ
lãi suất cao. Trong suốt thời kỳ kinh tế nước ta tăng trưởng trên dưới 7%
trong 5 năm trở lại đây, lãi suất cho vay tiền đồng của hệ thống ngân hàng ở
mức bình quân 15%-18%/năm. Điều đó hình thành một rủi ro tài chính lớn
đối với doanh nghiệp, nhưng cũng trong thời gian đó, sự phát triển bong
bóng chứa đầy các yếu tố đầu cơ của giá nhà đất và giá chứng khoán đã
khiến các doanh nghiệp không ngần ngại sử dụng đòn bẩy tài chính vượt
quá khả năng kiểm soát của họ, và điều này lại được sự đồng thuận của các
ngân hàng đang bị lôi cuốn bởi lợi nhuận và kỳ vọng quá lạc quan về tương
lai. Tăng trưởng tín dụng trong thời kỳ này có khi trên 40%/năm, và sự hấp
dẫn của các khoản lợi nhuận khổng lồ đã khiến các doanh nghiệp và cả
ngân hàng thiếu cảnh giác về rủi ro thanh khoản và sự an toàn của dòng
tiền mặt. Nhưng ai có thể cưỡng lại được sự hấp dẫn của lợi nhuận?