của các quốc gia”. Victor Fung, Chủ tịch tập đoàn Li & Fung cũng khẳng
định “Khi thế giới trở nên phẳng hơn, các chính phủ có nhiều khả năng hơn
trong việc giúp đỡ hoặc làm giảm đi năng lực cạnh tranh của các quốc gia,
và điều quan trọng là các doanh nghiệp phải đưa yếu tố đó vào chiến lược
phát triển của họ.”
Toàn cầu hóa hiện nay đã làm bộc lộ một vấn đề có tính quyết định: Chỉ
khi nào các quốc gia cạnh tranh tốt hơn, các doanh nghiệp của chúng mới
có thể cạnh tranh tốt hơn. Nước Mỹ luôn tự hào là cường quốc kinh tế số
một toàn cầu, nhưng trong bài phát biểu đầu năm 2006 gửi toàn thể nhân
dân Mỹ, Tổng thống Bush đã có lời cảnh tỉnh: “Chúng ta phải chuẩn bị để
cạnh tranh. Đó là mục tiêu mà toàn thể chúng ta đều chia sẻ. Trong một nền
kinh tế thế giới đầy năng động, chúng ta đang thấy xuất hiện những đối thủ
cạnh tranh mới, như Trung Quốc và Ấn Độ, và điều này đã tạo ra một rủi
ro.” Vị trí cường quốc kinh tế số một của Mỹ vẫn có thể bị đe dọa bởi
những nước mà chỉ vài thập niên trước đây còn nằm trong danh sách những
nước nghèo trong Thế giới thứ ba. Và sự đe dọa đó không đến từ một vài
doanh nghiệp đơn lẻ của Trung Quốc hay Ấn Độ. Sự đe dọa đó đến từ
chiến lược cạnh tranh toàn cầu rất hiệu quả từ nhà nước của hai quốc gia
đông dân nhất thế giới này, nền kinh tế và các doanh nghiệp của họ đã
hưởng lợi rất nhiều từ chiến lược cạnh tranh hiệu quả đó.
Toàn cầu hóa buộc mọi quốc gia nhận thức rõ hơn - để bảo vệ tốt hơn -
quyền lợi vĩnh cửu của mình trong một thế giới đang gần gũi với nhau hơn
và cọ xát với nhau nhiều hơn. Một thế giới đầy áp lực cạnh tranh mà ở đó
không tiến bộ, không phát triển - hay chỉ cần tiến bộ chậm và phát triển
chậm - là có thể bị đè bẹp. Con đường đi đến giàu có thịnh vượng, với chất
lượng cuộc sống tốt hơn, công ăn việc làm có thu nhập cao hơn dành cho
mọi người dân trong độ tuổi lao động của một cộng đồng dân tộc, là một
con đường đầy chông gai của nước ta trong toàn cầu hóa. Đây là cuộc chiến
đấu quyết liệt giành lấy thị trường thế giới của Việt Nam với nhiều nước
khác, những đối thủ có ý chí và quyết tâm phát triển cũng sắt đá không
kém. Richard Victor, giáo sư Đại học Quản trị Kinh doanh Harvard, tác giả