Chữ tín trong kinh doanh
T
ín là một thái độ của một người trong mối quan hệ với người khác - cá
nhân hay tập thể - theo đó anh ta luôn giữ đúng những gì mình đã cam kết
đối với họ. Nho giáo đã đưa chữ tín vào một trong ngũ thường (5 đức tính
căn bản của con người), bao gồm: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Tín là một phạm
trù xã hội, nó là nền tảng của các mối quan hệ xã hội. Trong giao dịch làm
ăn, buôn bán, vay mượn, chữ tín quyết định sự tồn tại lâu dài của các mối
quan hệ và là một trong những yếu tố quan trọng mang đến thành công cho
người biết giữ nó. Trong quân đội, chữ tín là kỷ luật, sự đoàn kết và sức
mạnh. Từ xưa, Binh pháp Tôn Tử đã nêu 5 đức tính cần thiết của một vị
tướng giỏi, đó là: trí, tín, nhân, dũng, nghiêm. Trong quản lý, chữ tín mang
lại trật tự, ổn định cho xã hội và niềm tin của người dân vào bộ máy nhà
nước. Vệ Ưởng, khi áp dụng chế độ pháp trị để canh tân nền chính trị nước
Tần, việc đầu tiên ông ta làm là xác lập chữ tín. Như vậy, trong lịch sử phát
triển của loài người, chữ tín tỏ ra cần thiết trên mọi lĩnh vực quan hệ xã hội,
thương mại, tín dụng, chính trị, quân sự…
Chữ tín có ý nghĩa đặc biệt trong phạm vi một cộng đồng, một nhóm,
một tập hợp nhiều nhóm hoặc nhiều cộng đồng có cùng chung quyền lợi, vì
nó bảo vệ sự ổn định của các mối quan hệ khác nhau và sự hài hòa lợi ích
của những thành viên trong cộng đồng đó. Chữ tín là nền tảng của luật
pháp - một thỏa ước xã hội - đồng thời là nền tảng của tất cả các quan hệ
dựa trên cam kết của những thành viên cộng đồng - một thỏa ước cá nhân -
dù thành văn hay bất thành văn.
Đối với mỗi người, tín mang tính chất đạo đức, đòi hỏi sự lương thiện,
không lừa dối và là sự tiết chế đối với lợi ích vị kỷ trong quan hệ với người
khác. Đối với xã hội, tín là một vấn đề pháp luật, nó buộc các thành viên xã
hội, một người hay một nhóm, phải tôn trọng và thực hiện những cam kết,
những thỏa thuận đã có của mình đối với người khác.