Đế không những là văn hóa hòa hảo kết thân mà còn là văn hóa
chinh chiến; không chỉ là văn hóa phòng ngự mà còn là văn hóa
tấn công. Trung Quốc thời đại Hán Vũ Đế nếu chỉ yêu hòa bình
mà không dám chiến tranh, nếu chỉ dựa vào hòa hảo kết thân,
dựa vào phòng ngự thôi thì kết quả chẳng phải là Hung Nô bị đánh
đuổi mà là Trung Nguyên bị nô dịch. Thực tiễn thành công của Hán
Vũ Đế dùng vũ lực đánh bại Hung Nô, dùng tấn công diệt tận gốc
mọi tai họa của đất nước đã chứng minh một đạo lý: Không có tinh
thần tấn công thì khó có thể xóa bỏ tận gốc các nỗi lo nghĩ sống
còn của dân tộc, khó có thể làm cho đất nước giành được quyền chủ
động chiến lược sinh tồn lâu dài và phát triển ổn định. Tinh thần
thượng võ trên người Hán Vũ Đế thể hiện nổi bật là tinh thần tấn
công, tinh thần viễn chinh. Nhưng Trung Quốc sau đời Tống do
thiếu tinh thần tấn công và tinh thần viễn chinh đó mà luôn
luôn gặp họa, cuối cùng bao giờ cũng rơi vào cảnh tranh cãi liên
miên giữa hai phái chủ “hòa” và chủ “chiến”, hạn chế và lần lữa
dây dưa giữa hai chủ trương này, đi tới thất bại và diệt vong trong sự
thỏa hiệp bị động, nhường nhịn và bất đắc dĩ.
Người thứ ba là Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Trong lịch sử
Trung Quốc, triều đại nhà Đường được gọi là “Đại Đường”. Cái lớn
của Đại Đường không chỉ lớn ở cương vực, lớn về quy mô của cải và
cái lớn của hoài bão mở cửa với thế giới, mà là sự “lớn mạnh” vô
song trên thế giới hồi đó. Hiện tượng “Muôn nước đến triều
cống” thời đại Thịnh Đường nói lên cái ơn (sức mạnh mềm) và cái
uy (sức mạnh cứng) của triều nhà Đường đều đạt tới trình độ cao
nhất thế giới. Sự vẻ vang của Đại Đường trong lịch sử Trung Quốc
chứng minh một đạo lý: thượng võ ắt phải tôn sùng sức mạnh, một
dân tộc thượng võ tất nhiên phải là một dân tộc “tôn sùng sức
mạnh” chứ không phải chỉ là một dân tộc “tôn sùng sự giàu có”. Nếu
chỉ tôn sùng của cải, không thể kết hợp giàu với mạnh, kết quả ắt
là càng giàu thì càng không an toàn.