tỏ rằng không có gì thích bị dồn vào một góc cả: sự tập trung không gian
càng hẹp sẽ dẫn tới những thăng giáng càng lớn.
Hình 5.1Bằng cách phóng đại liên tiếp một vùng nhỏ
của không gian, ta có thể thăm dò được những tính chất siêu vi mô của nó.
Những ý định hợp nhất thuyết tương đối rộng với cơ học lượng tử đều vấp
phải những bọt lượng tử sôi sục xuất hiện ở tầng phóng đại cao nhất.
Vì trường hấp dẫn được phản ánh bởi độ cong của không-thời gian, nên
chính những thăng giáng lượng tử này được thể hiện bởi những biến dạng
càng mạnh của không gian bao quanh. Chúng ta đã lờ mờ nhận thấy những
biến dạng như vậy đã xuất hiện ở mức phóng đại thứ tư trên Hình 5.1. Bằng
cách thăm dò tới những thang khoảng cách còn nhỏ hơn nữa, như đã làm ở
mức phóng đại thứ năm trên Hình 5.1, chúng ta thấy rằng những thăng
giáng lượng tử ngẫu nhiên của trường hấp dẫn tương ứng với những uốn
cong ghê gớm đến nỗi không gian không còn giống một chút nào với một
đối tượng hình học với độ cong mềm mại như là màng cao su mà ta đã xét
ở Chương 3 nữa. Mà bây giờ nó có dạng sủi bọt, rối ren và vặn xoắn kỳ dị
như được minh họa ở tầng trên cùng của Hình 5.1. John Wheeler đã đặt ra
thuật ngữ bọt lượng tử để mô tả sự náo nhiệt được phát lộ bởi sự thăm dò ở
mức siêu vi mô đó của không gian (và cả thời gian nữa), trong đó những
khái niệm thông thường như trái phải, trước sau, trên dưới (và thậm chí cả
quá khứ và tương lai nữa) đều mất hết ý nghĩa.
Chính ở những thang
khoảng cách cực ngắn như vậy đã xảy ra sự không tương thích giữa
thuyết tương đối rộng và cơ học lượng tử.
Khái niệm hình học trơn tru -
nguyên lý trung tâm của thuyết tương đối rộng - đã bị những thăng giáng
dữ dội của thế giới lượng tử ở những thang khoảng cách cực ngắn phá hủy.