trăm năm Newton cũng có thể viết ra được. Sau đó rồi các phương trình
này mới được lượng tử hóa. Tức là, các phương trình cổ điển được biến
thành một khuôn khổ cơ học lượng tử theo một thủ tục hệ thống đã được
các nhà vật lý phát triển hơn năm mươi năm qua, trong đó xác suất, tính bất
định và các thăng giáng lượng tử v.v. mới trực tiếp được đưa vào. Thực tế,
ở chương 12 chúng ta đã thấy thủ tục đó được vận dụng như thế nào: các
quá trình có vòng (xem hình 12.6) đưa vào các hiệu ứng lượng tử - trong
trường hợp đang xét là sự tạo thành tức thời các cặp dây ảo - với số lượng
các vòng quyết định độ chính xác mà các hiệu ứng đó được tính đến.
Trong nhiều năm, chiến lược bắt đầu từ sự mô tả cổ điển rồi sau đó mới
tính đến những đặc trưng của cơ học lượng tử đã tỏ ra rất hiệu quả. Ví dụ,
mô hình chuẩn của vật lý các hạt cơ bản là đi theo chiến lược đó. Nhưng
cũng có thể - và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rất có thể -
phương pháp này vẫn còn quá bảo thủ đối với các lý thuyết có tầm vóc rất
lớn như lý thuyết dây và lý thuyết - M. Lý do là ở chỗ: một khi chúng ta
thấy rằng vũ trụ được chi phối bởi các nguyên lý của cơ học lượng tử, thì lý
thuyết của chúng ta phải dựa trên cơ học lượng tử ngay từ đầu. Sở dĩ cho
tới tận hôm nay chúng ta đã rất thành công với sự bắt đầu từ quan điểm cổ
điển là bởi vì chúng ta còn chưa khám phá vũ trụ tới một độ sâu đủ để thấy
được giới hạn của cách tiếp cận này. Nhưng với độ sâu của lý thuyết dây /lý
thuyết - M, chúng ta có lẽ đã đi tới điểm giới hạn của cái chiến lược đã
được thử thách qua nhiều trận mạc đó.
Chúng ta có thể tìm ra một bằng chứng cụ thể cho điều vừa nói ở trên bằng
cách xem xét lại một số phát minh đã xuất hiện từ cuộc cách mạng siêu dây
lần thứ hai (như đã được tổng kết trên hình 12.11, chẳng hạn). Như đã thảo
luận ở chương 12, các đối ngẫu - nền tảng để thống nhất năm lý thuyết dây
- cho chúng ta thấy rằng các quá trình vật lý xảy ra trong bất kỳ một lý
thuyết dây nào cũng đều có thể được giải thích lại theo ngôn ngữ đối ngẫu
của bốn lý thuyết còn lại. Sự giải thích lại này thoạt nhìn có vẻ ít dính dáng
đến lý thuyết ban đầu, nhưng thực tế đó chính là sức mạnh của tính đối
ngẫu: nhờ có tính đối ngẫu mà một quá trình vật lý có thể được mô tả theo
nhiều cách rất khác nhau. Những kết quả này vừa tinh tế vừa tuyệt vời,