Hình 3.7. Lỗ đen làm cong cấu trúc không - thời xung quanh mạnh tới mức
bất kỳ vật nào rơi vào bên trong “chân trời sự kiện” của nó - được minh họa
bằng vòng tròn đen trên hình - đều không thoát khỏi móng vuốt hấp dẫn
của nó. Chưa ai biết chính xác điều gì sẽ xảy ra ở điểm bên trong sâu nhất
của lỗ đen.
Nếu, ngược lại, bạn thận trọng hơn khi lang thang gần lỗ đen và luôn luôn
canh chừng để không vượt qua giới hạn của chân trời sự kiện, thì bạn có thể
dùng lỗ đen cho những mục đích hết sức thú vị và đầy bất ngờ. Chẳng hạn,
hãy tưởng tượng bạn cần phải khám phá một lỗ đen có khối lượng lớn gấp
1.000 lần Mặt Trời và bạn phải bám theo một dây cáp để tụt xuống gần bề
mặt của nó như Goerge đã làm ở trên đối với Mặt Trời, sao cho bạn ở bên
trên chân trời sự kiện của lỗ đen chừng vài xentimét. Như chúng ta đã thảo
luận ở trên, các trường hấp dẫn đều làm cong thời gian và điều này có
nghĩa là sự trôi của bạn qua thời gian sẽ bị chậm lại. Thực tế, vì các lỗ đen
có trường hấp dẫn mạnh tới mức sự trôi của bạn theo thời gian thực sự là
rất rất chậm. Đồng hồ của bạn khi đó sẽ phát ra tiếng tíc tắc khoảng 10.000
lần chậm hơn đồng hồ của bạn bè ở trên Trái Đất. Nếu bạn cứ lơ lửng như
vậy ở bên trên chân trời sự kiện của lỗ đen chừng một năm, rồi leo ngược
trở lại theo dây cáp quay về con tàu không gian đang chờ bạn để trở về nghỉ
ở quê nhà ít ngày, thì khi tới Trái Đất, bạn sẽ thấy hơn 10.000 năm đã trôi
qua kể từ khi bạn cất bước ra đi. Vậy là bạn có thể sử dụng các lỗ đen như
một loại máy thời gian, cho phép bạn chu du tới tương lai xa xôi của Trái
Đất.