Brian Greene
Giai điệu giây và bản giao hưởng vũ trụ
Phần II - Không gian, thời gian và các lượng tử
Chương 3 -Uốn cong và lượn sóng(9)
...Người ta thấy rằng ở mức cơ bản, thuyết tương đối rộng hóa ra lại
không tương thích với một lý thuyết cũng được kiểm chứng hết sức mỹ
mãn bởi thực nghiệm, đó là cơ học lượng tử...
Thuyết tương đối rộng có đúng không ?
Cho tới nay, trong các thí nghiệm được thực hiện với trình độ công nghệ
hiện đại, người ta chưa phát hiện thấy sự sai lệch nào đối với những tiên
đoán của thuyết tương đối rộng. Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới có thể nói
được, với độ chính xác cao hơn của thực nghiệm, cuối cùng, người ta có
phát hiện thấy sai lệch nào hay không. Điều đó cho thấy rằng lý thuyết
tương đối rộng cũng chỉ là một sự mô tả gần đúng sự hoạt động của tự
nhiên mà thôi. Sự kiểm nghiệm thường xuyên các lý thuyết với độ chính
xác ngày càng cao hơn hiển nhiên là một trong số những con đường phát
triển của khoa học, nhưng nó không phải là con đường duy nhất. Thực tế,
điều này chúng ta cũng đã từng thấy: sự tìm kiếm một lý thuyết mới về hấp
dẫn không phải khởi đầu từ sự bác bỏ của thực nghiệm, mà là do xung đột
giữa lý thuyết hấp dẫn của Newton và một lý thuyết khác, cụ thể là thuyết
tương đối hẹp. Chỉ sau khi đã phát minh ra thuyết tương đối rộng như một
lý thuyết cạnh tranh với lý thuyết hấp dẫn của Newton, những sai lệch thực
nghiệm trong lý thuyết của Newton mới được nhận dạng nhằm tìm kiếm
những hiệu ứng nhỏ nhưng có thể đo được, qua đó phân biệt được sức
mạnh của hai lý thuyết. Chính vì vậy, sự không nhất quán trong nội bộ lý
thuyết cũng đóng một vai trò quan trọng không kém những dữ liệu thực
nghiệm trong việc thúc đẩy sự tiến bộ khoa học.
Trong nửa thế kỷ trở lại đây, vật lý học đã phải đối mặt với một cuộc xung
đột lý thuyết mới, cũng nghiêm trọng không kém cuộc xung đột giữa thuyết
tương đối hẹp với lý thuyết hấp dẫn của Newton. Người ta thấy rằng ở mức
cơ bản, thuyết tương đối rộng hóa ra lại không tương thích với một lý