Không hề có bất cứ âm thanh nào. Đó là một sự tĩnh lặng bình an
mà tôi chưa từng trải qua. Giống như chìm xuống nước, không ai gây ra
một tiếng động nào, hoàn toàn tĩnh lặng.
Theo Joseph thì không thể nói đây là một trải nghiệm khó chịu, nó
gần giống như “trạng thái thiền”. Lúc này anh cảm thấy điềm tĩnh hơn lúc
cứ lúc nào.
Những điều tồi tệ mà tôi đã gặp trong quá khứ không còn dằn vặt
tôi như trước nữa.
Tất cả 5 giác quan của con người như nghe, thấy, sờ nếm, ngửi, đều
được mô tả trong TNCT. Nâng cao cảm xúc, tăng cường thị giác và thính
giác, tri giác nhạy bén hơn là vài khía cạnh đáng chú ý nhất của TNCT. Rõ
ràng là sự cải thiện những giác quan trên không mang ý nghĩa điều trị đối
với trạng thái hôn mê hoặc chết lâm sàng. Về phương diện y học, thật khó
giải thích được trường hợp một ai đó có tri giác nhạy bén hơn khi đến bên
bờ vực của cái chết. Những trải nghiệm này không phải là những giấc mơ
hoặc những ảo giác từ một bộ não chết. Trải nghiệm Cận tử là có thật.
Không có một trải nghiệm biến đổi tri giác nào có thể minh mẫn và nhạy
bén, được sắp xếp có trật tự như trong TNCT. Nghiên cứu của NDERF và
những nghiên cứu được công bố trong lĩnh vực này đều chứng tỏ khuôn
mẫu nhất quán về sự nâng cao khả năng tri giác và nhận thức. Điều này
khiến nhiều người gọi trải nghiệm này là “cái chết minh mẫn”.
NGƯỜI HOÀI NGHI: CÁC CẬN TỬ NHÂN CÓ THỂ
KHÔNG THỰC SỰ “CẬN TỬ”
Vẫn còn một số nhà khoa học không tin vào “cái chết minh mẫn”.
Một số cho rằng trong các nghiên cứu về Trải nghiệm Cận tử trước đây,
người ta định nghĩa về cận tử quá sơ sài, kể cả những trường hợp thể xác
không thực sự sắp chết. Những người hoài nghi cho rằng các nghiên cứu về
TNCT kể đến cả những trường hợp không thực sự cận tử. Trải nghiệm
minh mẫn sẽ được giải thích bằng thực tế rằng những người này không
thực sự chạm đến cái chết.