muốn giúp quân đội xô-viết một phương tiện mạnh để chế tạo vũ khí và
đồng thời đưa ra một số kiến nghị đối với hoạt động sáng tạo sáng chế ở
Liên Xô. Do sự "hiểu lầm", hai người bị vu cáo là có âm mưu đánh bom
Hồng trường và bị xử tù 25 năm. Năm 1954, sau khi Stalin chết, hai ông
được trả tự do và được khôi phục lại danh dự. Trở về Baku, Thầy Altshuller
có một thời gian làm nhà báo, trong khi vẫn theo đuổi công việc nghiên cứu
xây dựng TRIZ. Công trình đầu tiên về TRIZ Thầy và ông Shapiro công bố
trên tạp chí "Các vấn đề tâm lý học" (số 6, năm 1956) có nhan đề “Về tâm lý
học sáng tạo sáng chế”. Trong bài báo này, các tác giả lần đầu tiên đưa ra
một cách tiếp cận mới mang tính cách mạng: Sáng tạo sáng chế làm thay đổi
các hệ thống kỹ thuật mà các hệ thống này phát triển theo các quy luật
khách quan nhất định, không phụ thuộc tùy tiện vào tâm lý chủ quan của các
nhà sáng chế. Do vậy, chỉ có thể nâng cao năng suất và hiệu quả quá trình
sáng tạo sáng chế, khi nhà sáng chế nắm vững các quy luật phát triển khách
quan đó và biết điều khiển tâm lý chủ quan của mình theo chúng.
Sau này, ông R. Shapiro di cư sang Israel, chỉ còn mình Thầy Altshuller
tiếp tục các công việc liên quan đến TRIZ. Năm 1968 Thầy Altshuller cộng
tác với Hội đồng trung ương Hiệp hội toàn liên bang các nhà sáng chế và
hợp lý hóa Liên Xô (VOIR) thành lập Phòng thí nghiệm các phương pháp
sáng chế (OLMI), năm 1971 – Học viện công cộng về sáng tạo sáng chế
(Public Institute of Inventive Creativity). Thầy trực tiếp giảng dạy hai khóa
tại Trường nói trên: khóa 1971-1973 và 1973-1975. Sau đó, do bất đồng
quan điểm và không chịu được sự quan liêu của các quan chức Hiệp hội,
Thầy chấm dứt sự cộng tác với họ. Từ đó, Thầy chủ yếu truyền bá TRIZ
thông qua các khóa do chính Thầy mở, do các nơi mời và qua các cuốn sách
Thầy hoặc Thầy cùng các học trò viết. Đến những năm 80, hàng trăm thành
phố ở Liên Xô đã có các Trường, Trung tâm, Câu lạc bộ hoặc nhóm giảng
dạy TRIZ. Hiệp hội TRIZ (TRIZ Association) được thành lập năm 1989 và
Tạp chí TRIZ (Journal of TRIZ) bằng tiếng Nga ra đời năm 1990. “Phong
trào TRIZ” (TRIZ movement) hình thành và phát triển lúc đầu bên trong
Liên Xô, sau đó lan ra các nước xã hội chủ nghĩa khác (TRIZ bắt đầu dạy ở
Việt Nam từ năm 1977) và phương Tây.