Cơ sở sinh lý thần kinh của linh tính, theo một số nhà nghiên cứu, bao
gồm sự biến đổi và tái hợp các “dấu vết” (mạng các mối liên kết thần kinh
tạm thời) trong trí nhớ của chủ thể một cách trọn vẹn nhất định, tạo nên các
hình ảnh (Gestalt – tiếng Đức) mới. Các hình ảnh mới này trở thành các ý
nghĩ mới (các giả thiết), được ý thức nhận biết, mà tính đúng đắn của chúng
chỉ có sau đó mới được thực tế kiểm tra. Hoạt động của linh tính luôn nhắm
đến việc thỏa mãn nhu cầu chủ đạo và các kinh nghiệm sống lưu giữ trong
vùng ý thức, tiềm thức của chủ thể.
Không ít các nhà phát minh, sáng chế khá tin tưởng vào linh tính. Ví
dụ, Einstein cho rằng: “Về bản chất, chỉ có linh tính đem lại giá trị
thực sự... Tôi tin vào linh tính và sự ngẫu hứng”. Bạn đọc còn có thể
xem lại các ý kiến của các nhà phát minh, sáng chế trong mục 5.6. Ý
thức, tiềm thức và vô thức. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu tâm lý học và
sáng tạo học đưa ra nhiều lời khuyên liên quan đến linh tính để chúng
ta đừng có sa vào cực đoan. Dưới đây là một số trong các lời khuyên
đó.
1. Không nên ngộ nhận những ý tưởng do linh tính mách bảo thường là
đúng, trái lại, thường là sai.
Điều này có thể hiểu được, vì khi có ý tưởng sai, người giải bài toán
đứng trước hai sự lựa chọn: a) Lý giải một cách lôgích xuất xứ của ý
tưởng sai; b) Tìm ý tưởng mới để nhanh chóng giải bài toán. Rõ ràng,
người giải ưu tiên cho lựa chọn thứ hai. Điều này có nghĩa, trong số các
ý tưởng sai, có không ít các ý tưởng do linh tính mách bảo. Người giải
bài toán thường chú ý nhiều hơn đến những ý tưởng đúng do linh tính
mách bảo. Chưa kể, nếu ý tưởng đúng đến mức “kéo giường sang chỗ
khác ngủ và thoát chết” thì linh tính gây ấn tượng cho chính người đó
và những người biết chuyện, có khi, suốt đời.