Hình 35: Hành động giống nhau có thể xuất phát từ những nhu cầu cá
nhân khác nhau
Ví dụ, các thí sinh trong phòng thi cùng làm một đề thi vào đại học. Tất cả
họ đều có mục đích đậu đại học. Người thì xuất phát từ nhu cầu kiến thức;
người thì cần bằng cấp; người muốn cha, mẹ vui lòng; người đơn giản muốn
học chung với bạn thân của mình…
Thêm vào những gì nói ở trên, một hành động của cá nhân còn có thể thỏa
mãn cùng một lúc nhiều nhu cầu, xem Hình 36. Điều này có thể hiểu được
vì có những nhu cầu là loại nhu cầu hợp thành. Nói cách khác, có những
mục đích là mục đích hợp thành.
Ví dụ, hành động kiếm tiền giúp thỏa mãn khá nhiều loại nhu cầu. Hoặc
việc sử dụng điện thoại di động đối với nhiều người vừa thỏa mãn nhu cầu
tiết kiệm sức lực, vừa thỏa mãn nhu cầu được để ý, chú ý.
Hình 36: Một hành động có thể thỏa mãn nhiều nhu cầu
Như chúng ta biết từ mục 5.2. Các nhu cầu của cá nhân, nguồn gốc của
các hành động cá nhân là các nhu cầu của cá nhân. Do vậy, về mặt nguyên
tắc, để một người có hành động cụ thể nhất định, trước đó, cần tạo được nhu
cầu cụ thể tương ứng với hành động cụ thể đó. D. Carnegie diễn tả như sau:
“Chỉ có cách làm duy nhất dưới bầu trời này để buộc một người làm một
điều gì đó (hành động – người viết giải thích). Đấy là làm cho người đó
muốn (có nhu cầu – người viết giải thích) làm điều đó”. Trong các cuốn
sách của mình, chẳng hạn, cuốn “Đắc nhân tâm”, D. Carnegie có dẫn ra
không ít các ví dụ minh họa cho luận điểm nói trên.