2 , các biện pháp xã hội, trong trường hợp này là ngăn chặn, răn đe, trừng
phạt, phải được xây dựng và áp dụng dựa trên: 1) Sự xác định cụ thể, chính
xác danh sách các hành động có thể có thuộc phạm vi 2 ; 2) Phân loại các
hành động đó theo sự đa dạng về loại hình và mức độ ảnh hưởng xấu đến xã
hội; 3) Nghiên cứu các nhu cầu cá nhân cụ thể để có các biện pháp cụ thể.
Các biện pháp xã hội phải rất đa dạng vì, như chúng ta đã biết (xem mục
7.2. Điều khiển học: Một số ý tưởng cơ bản chung), chỉ có đa dạng mới điều
khiển được đa dạng.
Ví dụ, pháp luật phải cấm những hành động cá nhân làm phương hại đến
những quyền con người của những người khác. Nói như K. Marx: “Luật
pháp cần thiết quy định giới hạn, trong đó, tự do của người này không làm
phương hại đến tự do của người khác”. Rõ ràng, một luật pháp như vậy phải
được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu khoa học mang tính khách quan
chứ không phải dựa trên ý muốn chủ quan của những người lãnh đạo, quản
lý xã hội. Các biện pháp pháp luật đối với cá nhân hành động trong phạm vi
2 có thể là phạt tù để cá nhân không được thỏa mãn nhu cầu tự do, phạt tiền
để cá nhân không được thỏa mãn nhu cầu tiền... Tức là, rất đa dạng và phải
có hiệu quả, tác dụng đối với từng cá nhân cụ thể. Nhờ quan hệ phản hồi
này, cá nhân đó, các cá nhân khác ý thức được kết quả hành động không
thỏa mãn nhu cầu, sẽ có xúc cảm âm và không dám có những hành động
trong phạm vi 2 .
Tuy nhiên, có những hành động ở phạm vi 2 , sử dụng các biện pháp
pháp luật không thích hợp. Ví dụ, một người không giữ chữ tín, chưa đến
mức phải đưa ra tòa. Lúc này, các biện pháp như thái độ, dư luận những
người xung quanh, xã hội trở nên thích hợp hơn: Những người biết chuyện
phải tỏ rõ thái độ của mình cho người không giữ chữ tín biết, ví dụ, họ tẩy
chay, không thèm chơi với anh ta, coi thường anh ta. Điều này cũng làm cho
anh ta có xúc cảm âm đối với hành động không giữ chữ tín của mình, vì nhu
cầu thuộc về một cộng đồng, nhu cầu được kính trọng, được yêu mến không
thỏa mãn.