1) Bạn không nên máy móc cho rằng, giải bất kỳ bài toán nào, bao giờ
cũng phải nhất định đi phân tích tìm mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn. Ý
tưởng giải bài toán có thể đến với bạn sau vài lần thử và sai; nhờ gợi ý tình
cờ; nhờ liên tưởng; nhờ chuyển giao ý tưởng từ đối tượng này sang đối
tượng khác..., thậm chí, nhờ nằm mơ. Kinh nghiệm cho thấy, bạn nên dùng
phân tích phát hiện mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn đối với các bài toán
có mức khó cao hoặc/và hệ thống phức tạp.
Tuy nhiên, khi bạn học tư duy biện chứng trong PPLSTVĐM, nhằm mục
đích luyện tập, bạn phải giải các bài toán thực hành bằng cách phân tích phát
hiện mâu thuẫn, phát ý tưởng giải quyết mâu thuẫn. Điều này còn đem lại
cho bạn nhiều ích lợi khác mà người viết sẽ đề cập đến ở những phần sau.
2) Bạn cần chú ý nắm nội dung của các khái niệm mâu thuẫn, tránh căn
cứ vào tên gọi của chúng rồi liên tưởng, suy diễn theo ý mình. Ví dụ, mâu
thuẫn hành chính là mâu thuẫn chỉ có trong lĩnh vực hành chính, liên quan
đến thủ tục, giấy tờ, dấu má, hành là chính. Mâu thuẫn kỹ thuật chỉ có trong
các lĩnh vực kỹ thuật, liên quan đến động cơ, ốc vít gì đây. Mâu thuẫn vật lý
chỉ có trong vật lý học, liên quan đến các đối tượng, hiện tượng, quá trình
vật lý như cơ, điện, từ, quang, nguyên tử, điện tử...
Bạn cần hiểu các khái niệm mâu thuẫn hành chính, kỹ thuật và vật lý theo
nghĩa rộng, nghĩa khái quát. Về mặt nguyên tắc, chúng đều có mặt trong các
bài toán cụ thể của bất kỳ lĩnh vực nào.
Theo bạn, những tình huống không phải hành chính, kỹ thuật hoặc vật lý
dưới đây có thể xếp vào loại mâu thuẫn nào, hoặc có thể dùng để giải quyết
loại mâu thuẫn nào:
- Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
- Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.
- Sống làm vợ khắp người ta
Khéo thay thác xuống làm ma không chồng.
- Hương còn thơm nức, người đà vắng tanh.
- Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn.