Bạn đọc thử xem cái búa với một đầu dùng để đóng đinh, đầu kia dùng để
nhổ đinh có giống cây bút chì gắn cục tẩy về thống nhất hai mặt đối lập (Đ)
và (‐Đ) không?
Một số nhận xét:
- Các ví dụ trong mục này và mục trước dùng để minh họa cách phân tích,
giải quyết mâu thuẫn của TRIZ rất đa dạng: Từ các vật dụng hàng ngày đến
các sáng chế kỹ thuật chuyên sâu, phát minh khoa học; từ các tình huống đời
thường đến các bài toán gặp trong kinh doanh, quân sự, chính trị. Điều này
cho thấy, cách phân tích, giải quyết mâu thuẫn của TRIZ có phạm vi áp dụng
rất rộng. Về mặt nguyên tắc, ở đâu có vấn đề, ở đó người giải có thể sử dụng
cách phân tích, giải quyết mâu thuẫn của TRIZ trong quá trình suy nghĩ của
mình.
- Các công cụ dùng để giải quyết mâu thuẫn cũng rất đa dạng. Ở đây, một
số công cụ của TRIZ chỉ mới được gọi tên như “nguyên tắc”, “biến đổi
mẫu”, “các hiệu ứng vật lý”, còn nội dung của chúng và những công cụ khác
sẽ được trình bày chi tiết từ quyển bốn của bộ sách “Sáng tạo và đổi mới”.
- Không phân biệt lĩnh vực chuyên ngành, các mâu thuẫn giống (tương tự)
nhau, với xác suất lớn thường được giải quyết bằng những công cụ giống
nhau. Không phải ngẫu nhiên, bạn đọc có thể thấy, trong các ví dụ thuộc các
lĩnh vực chuyên ngành khác nhau, có những nguyên tắc chung nhau. Chẳng
hạn, trong các ví dụ 1, 4 và 17 đều có chung nguyên tắc 26. Sao chép
(Copy); trong các ví dụ 2, 5, 7 và 19 đều có chung nguyên tắc 1. Phân nhỏ.
Nói cách khác, cách phân tích, giải quyết mâu thuẫn của TRIZ giúp cụ thể
hóa luận điểm triết học: Thế giới là một chỉnh thể thống nhất, mặc dù rất đa
dạng. Nhờ vậy, người giải bài toán thấy được sự giống (tương tự) nhau giữa
các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau và dễ dàng sử dụng trong lĩnh vực của
mình ý tưởng của những lĩnh vực khác hoặc chuyển giao ý tưởng có trong
lĩnh vực của mình cho các lĩnh vực khác.