20.
C
ó lẽ trời đã sáng. Trên khung cửa kính trắng đục của cầu thang đã
có một vệt nắng. Tú quơ bàn chân tìm chiếc mền nhà binh và dùng ngón
chân cái kẹp một chéo, kéo lên. Tú đắp mền lại lên tới tận cổ. Một chút nữa
đây các cô y tá của nhà thương sẽ đến và mở tung hết các cửa sổ trong
phòng theo lệnh của bác sĩ và giải thích là để cho thoáng khí và giết vi
trùng nhưng dù sao mở cửa lúc sáng sớm cũng làm Tú ớn lạnh và khó chịu
mặc dù nàng vốn có bản chất khỏe mạnh.
Trước khi sinh Tú đã có ý định thương lượng với cô nữ hộ sinh để có
thể nằm lại nhà thương chừng mười ngày nhưng những phiền phức và bạc
bẽo của nhà thương làm nàng buồn tủi và muốn về gấp, hơn nữa nàng cảm
thấy quá cô đơn ở đây và không thể nào chịu được những nụ cười kín đáo
của những bà y công khi thay tã hay pha sữa cho con nàng bú.
Tú ngồi dậy và sẽ vén mùng nhìn đứa con đang ngủ. Nàng cố tìm
kiếm trên khuôn mặt ấy một chút gì của con người nàng nhưng nàng thảng
thốt thấy đứa bé thật hoàn toàn xa lạ.
Lẽ ra nó phải được sinh ra trong một gia đình Mỹ, ở tận cái nơi xa xôi
nào đó, lẽ ra nó sẽ lớn lên và nói thứ ngôn ngữ của cha ông nó nhưng
không đâu, cái người ngoại quốc nhỏ bé này rồi sẽ lớn lên trong vòng tay
nàng, trong gia đình nàng và sẽ gọi nàng bằng mẹ, sẽ nói tiếng Việt Nam
với giọng Bình Định hẵn hòi.
Tú thở dài nằm xuống. Tạo hóa rồi ra cũng vô tình như cỏ cây, nếu
không, làm sao có sự kết hợp bi thảm này?
Sáu tháng qua, một thời gian đủ dài để làm đảo lộn cuộc đời nàng.
Ngày Brayker về nước, cái thai mới được ba tháng. Cả nàng lẫn Brayker
đều biết rằng đó là giọt máu của anh ta nhưng giọt máu ấy đã không đủ sức
để làm người sĩ quan thủy quân lục chiến ấy thay đổi ý định.