đi tập kết, Việt Minh cho nhân dân phòng đói. Chưa đói, nhân dân chưa ăn,
nhân dân để đó, can cớ gì động vào?
Sau cùng, bọn cảnh sát và ngụy quyền huyện đành phải rút hết, để lại
nguyên kho gạo. Cảnh giác, nhân dân từng bao một hè nhau khênh hết vào
trong các làng buôn.
Đó là chuyện có thật xảy ra tại huyện Vĩnh Thạnh, ghi vào lịch sử truyền
miệng của dân xã Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Hiệp, làng Tà Lóc, làng Hà Ri, và
những làng vẫn còn quen được gọi theo tên chiến đấu là L ba, L bốn, M
một, M hai, ngày đầu tiên, sau khi quân ta đã tập kết ra miền Bắc, và chế độ
Ngô Đình Diệm theo chân thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bấy giờ còn rình
mò, vừa mới kéo đến.
VI
Sáng hôm ấy, Quê ở lại nhà ta. Cả xã Bình Quang và các xã thuộc Vĩnh
Thạnh, lan xuống tận Bình Khê nói chung huyện Tây Sơn bây giờ —
không khí sùng sục như nước sôi. Mẹ bảo Quê cứ yên tâm nằm trên giường
vốn là cái giường của con mà nghỉ đi. Nhưng nó không đứng đâu ngồi đâu
yên, người cứ run cầm cập như cái lá. Mẹ nhìn thấy Quê, hiểu hết mọi việc.
Người này ắt đang mang điều không lành tới cho mẹ, mẹ bỗng nhiên có
linh tính thế. Nhưng mẹ không thể mở miệng bảo anh ta đi lúc này. Chúng
nó đang lục tìm anh ta khắp các ngả đường, khắp các nhà của xã Bình
Quang. Bây giờ chúng không cốt dùng miệng anh ta, một cán bộ kháng
chiến cũ để giải thích giúp, chứng nhận giúp với đồng bào miền núi mà
chúng vẫn yên trí là khờ khạo rằng cái kho gạo đó quả là không hợp pháp,
nhưng chúng đã nghi rằng cuộc đấu tranh dữ dội sáng nay của dân các làng
làm cho chúng vuốt mặt không kịp là do anh ta, ít nhất là do anh ta báo tin,
báo tin tức là xúi giục, — Anh — mẹ không mầy tao với nó nữa, mẹ gọi nó
bằng anh — anh mà ra đường bây giờ thì chúng nó ăn thịt. Chúng nó đang
tìm anh. Anh cũng như thằng Nghĩa con tôi thôi, nhưng chúng mà tìm thấy
anh trong nhà tôi, chúng nó cũng không để tôi sống đâu. Nó nhân đi tìm
anh, sục vào các nhà để điểm mặt xem người nào là cán bộ lén lút ở lại đây.
Vào đây, chúng nó sẽ lục tìm thằng Nghĩa gắt lắm. Tôi không biết giúp anh
nấp thế nào đây. Thôi được, anh ra ngoài vườn, nằm giữa hai vồng khoai