1 — LẶNG LẼ SAPA
RỜI cầu cây số 4 một quãng, xe trèo lên núi. Và người ta liền có cái cảm
giác là lạ tự mình, một mình mình, không phải đang ngồi trên xe mà đang
bay là là trong màu xanh nhiều vẻ, nhiều điệu, vô tận của rừng trong tiết
thu lạnh hầu như vĩnh viễn sườn tây Yên Sơn. Mây hắt từng chiếc quạt
trắng lên từ các thung lũng. Chỉ thấy thấp thoáng ở phía trước một vệt hình
ba góc màu vàng chính là đoạn đường mình vừa qua. Đi một lúc lâu, ngửng
lên, vẫn thấy cái vệt ba góc đó. Đến bây giờ, người lái xe già mới cất tiếng
nói:
— Con suối có thác trắng xóa ta vừa qua là trạm rừng. Một lúc nữa thì tới
Sa Pa. Bác không ghé thăm Sa Pa ư? Họa sĩ nào cũng đến Sa Pa! Ở đấy tha
hồ vẽ. Tôi đi đường này ba mươi hai năm. Trước Cách mạng tháng Tám,
tôi chở lên chở về mãi nhiều họa sĩ như bác. Họa sĩ Tô Ngọc Vân này, họa
sĩ Hoàng Kiệt này...
Thật là đột ngột! Nhà hội họa có tuổi mỉm cười thay lời đáp. Lúc nãy, ở bến
Lào Cai, lúc xe sắp nổ máy, thấy hàng ghế thứ ba chật vì đôi vợ chồng Mèo
trẻ mua vé không cùng chuyến nhưng nhất định không rời nhau, bác lái xe
mời ông lên ghế đầu, ngồi giữa bác và một cô gái. Ông vừa yên chỗ, bác lái
xe ngắm nghía thế nào hỏi ngay: “Bác là họa sĩ à?” À ra thế — ông nghĩ
thầm — bác ta từng quen nhiều họa sĩ. Cũng là một tay lái có máu nghệ
thuật đây.
— Nực cười, lúc còn trẻ, tôi cũng qua đường này nhiều lần chứ. Giá vẽ,
hộp màu, cuộn giấy, lích kích lắm thứ. Thế nhưng chẳng ai nhận ra tôi. Bây
giờ già rồi, đi đâu trong túi cũng mỗi cuốn sổ con này thôi, vậy mà ai cũng
nói đúng mình làm nghề gì, không lẫn đi đâu được. Cô đấy, hôm qua cô
chẳng hỏi tôi thế là gì?
Cô gái nhếch mép cười, có vẻ rất bằng lòng về việc ông được chuyển lên
ngồi cạnh cô. Sau một đêm và một ngày đi tàu từ Hà Nội, cùng ngồi trong
một ngăn toa cứ chật dần lên, đến nơi lại không có cách nào khác đành gộp
hành lý tuồn vào một chiếc đòn gánh cùng khênh đến khách sạn cách thị xã