bốn cây, sau một đoạn đường như vậy, người ta coi nhau như là bà con.
Nhà họa sĩ có cái cảm giác lẫn lộn thường có ở tuổi già nhanh chóng coi cô
con gái là con. Ông là họa sĩ, chăm đi, chăm vẽ, luôn luôn ghi về những
chuyến đi, nhưng không bao giờ thấy mình biết tận hưởng những khoảnh
khắc hiện tại của mình, lúc nào cũng nuối nhớ những cảnh đã qua, lúc nào
cũng khao khát cái đằng trước.
— Tuần lễ này, ở nhà, anh em định làm tiệc tiễn tôi về hưu. Tôi xin anh em
hoãn bữa tiệc đến cuối tuần sau. Đợi tôi đi chuyến “thực tế” này về đã. Tôi
không muốn có quãng nối nào hết, dù là một ngày, một đêm, vài giờ, giữa
hai giai đoạn của đời mình. Đối với một nghệ sĩ, trong cuộc đời, có hai hồi
thích nhất, đó là hồi mình còn trẻ, và hồi này của tôi. Mình có thể năng nổ
đi, vẽ, như thời thanh niên. Mình có thêm sự chín chắn hồi ấy mình chưa
có. Không bi quan, không ảo tưởng, tôi cho tôi cũng còn được mười năm
sống nữa. Phải vẽ được cái gì suốt đời mình thích, cô nhỉ?
Ông dễ dàng cởi mở với cô gái những lời tự tin mà, đã già, ông vẫn giữ một
sự khiêm tốn vô lý, không bao giờ dám thổ lộ với bạn bè. Còn cô gái là kỹ
sư vừa đỗ, đi nhận việc ở ty nông nghiệp Lai Châu. Lần đầu ra khỏi Hà
Nội, qua cuộc đời học trò chật hẹp, bước vào cuộc sống bát ngát, mới tinh,
cái gì cũng làm cho cô háo hức. Cô cứ nhìn ra ngoài cửa xe, mắt lặng lẽ mà
say mê. Cô là thanh niên thề ra trường có thể đi bất kỳ đâu, làm bất kỳ gì,
nhận bất kỳ lương, hướng tiếp đón thế nào, cô thấy lòng cô cũng nhẹ
nhàng. Sự thật thì cô cũng có lần yêu, nhưng rồi xóa ngay vì biết mình
nhầm.
Hai ngày sống gần nhau, với sự nhạy cảm riêng của người nghệ sĩ, nhà hội
họa già biết điều đó. Ông nói như nói một điều hiển nhiên và không quan
trọng:
— Đối với một người khao khát trời rộng, sự dứt bỏ một tình yêu nhiều khi
lại nhẹ lòng.
Người con gái xúc động vì đột nhiên nghe một người đã già diễn tả bằng
lời cảm nghĩ vốn mơ hồ và lả tả của mình. Từ phút đó trở đi, hai người gần
nhau thêm một mức nữa.