- Ông ăn cơm trưa rồi chứ?
Marconi thở dài, nhẹ nhàng:
- Nói thực ra thì…
- Tôi thật điên khùng, mải nói hoài, để ông đói. Biết làm cách nào được bây
giờ. Nhà tôi đi vắng. Hôm nay chủ nhật, người ở xin phép nghỉ. Chết thật
thôi!
Marconi đề nghị vô bếp lục xem có gì ăn không. May mắn làm sao, còn
được một ổ bánh mỳ, một miếng pho mát và một chén trà.
Đó, những bực vĩ nhân sống giản dị và đòi hỏi với nhau thành thực như
vậy.
*
* *
Phát minh của ông càng ngày càng được thế giới chú ý tới. Như tôi đã nói,
ở Đức, giáo sư Slaby, và ở Mỹ, nhiều nhà bác học khác cũng chế tạo được
máy vô tuyến điện; vì tinh thần quốc gia, những nước đó mới đầu không
chịu dùng máy của Marconi, nhưng sau đều phải dùng vì nó hoàn bị hơn
hết.
Năm 1909, ông mới ba mươi lăm tuổi, được lãnh giải thưởng danh dự nhất
thế giới, giải Nobel về Vật lý học. Ông tiếp tục nghiên cứu về vô tuyến điện
thoại.
Mấy năm sau, nhiều việc xảy ra trên thế giới làm cho người ta thấy công
dụng lớn lao của vô tuyến điện.
Trước hết là vụ đắm tàu Republic. Chiếc đó đụng chiếc Florida và đứt làm
đôi. Viên vô tuyến điện báo tin được với một đài ở bờ. Nhờ vậy người ta
cho tàu lại kịp để vớt 1.700 người, vừa nhân viên dưới tàu vừa hành khách.
Kế đó là một vụ săn bắt tội nhân. Bác sĩ Crippen giết người rồi cùng với
nhân tình là Ethel Le Neve, trốn từ Anh qua Gia-Nã-Đại, trong chiếc tàu