Trời vừa mưa vừa lạnh. Giông tố nổi lên, gió rét ở ngoài, nóc nhà bằng tôn
muốn tốc lên. Marconi lo lắng ngồi đợi. Đã đúng mười hai giờ trưa ở Terre
Neuve(2), giờ mà ở Poldhu tại Cornouailles(3) bên Anh, người ta bắt đầu
phát tin đây. Đã 15 phút rồi mà không nghe thấy gì cả.
Sau cùng gần 12 giờ rưỡi, người coi máy đứng dậy, giơ tay ra hiệu im lặng,
rồi nhoẻn một nụ cười:
- Rồi! Ba tiếng tách, tách, tách.
Marconi nhảy chồm lại nghe.
Đúng là dấu chữ S, dấu hiệu đã định trước. Đúng là đã nhận được tin từ
Poldhu, cách đó 3.400 cây số. Máy ngưng một chút, rồi tiếp tục thâu tin.
Lần này Marconi đã vượt Đại Tây Dương, đã chinh phục không gian và
thời gian.
Dale Carnegie, tác giả cuốn Little known facts about well known people, kể
rằng có lần được hân hạnh gặp Marconi. Marconi lúc đó đã già, nhắc lại
chuyện cũ, nói: “Thấy kết quả cuộc thí nghiệm qua Đại Tây Dương đó, tôi
muốn reo hò, la lớn lên cho khắp thế giới hay, nhưng không dám, vì sợ
không ai tin tôi. Mãi bốn mươi tám giờ sau tôi mới gom hết can đảm lại,
đánh điện về Luân Đôn. Thế là báo chí mọi nước đăng tin lên trang nhất.
Giới bác học xúc động mãnh liệt. Và đúng như tôi đã tiên đoán, nhiều
người ngờ vực. Phát ra một làn sóng điện, mà làn sóng đó theo mặt cong
của trái đất, truyền đi khắp nơi, ở xa cách mấy cũng nhận được tin trong
nháy mắt, thì thực là kỳ dị, nếu không phải là bịp đời! Chính Edison, nhà
phát minh bực nhất đương thời, lần này cũng bảo tôi đã bị sức tưởng tượng
quá mạnh làm mê hoặc”.
Sau hai thiên tài có dịp gặp nhau và rất quý mến nhau. Marconi qua Huê
Kỳ, lại Orange ở New Jersey thăm Edison. Hai ông bàn bạc với nhau về
cách cải thiện máy vô tuyến điện. Đã hai giờ trưa rồi mà khách không thấy
chủ nhân nhắc gì đến cơm nước cả. Bụng thì đói như cào rồi. Edison cứ nói
chuyện hoài về máy móc. Marconi chịu không nổi, đánh bạo hỏi:
- Ai lo cơm nước cho ông, ông Edison?
- Tôi không nghĩ đến cái đó. Có gì ăn nấy, miễn đầy bao tử thì thôi.
Rồi thình lình, như nhớ ra: