GƯƠNG HY SINH - Trang 85

ông William Preece, chánh kỹ sư sở Bưu Điện. Ông này cũng đương
nghiên cứu về vô tuyến điện mà không thành công. Ít bữa sau, Marconi
nhận được tin mừng của ông Preece cho hay rằng sở Bưu điện mời chàng
tới trình bày máy cho một ủy ban coi.
Hồi đó chàng mới hai mươi tuổi mà đem chuông đi đánh nước người, nên
rất lo âu, hồi hộp. Máy phát thanh đặt trên nóc sở Bưu điện, máy thâu thanh
trên nóc một ngôi nhà ở bờ sông Tamise. Máy dùng cả hai chiều được,
nghĩa là mỗi bên đều vừa thâu vừa phát.
Một đám đông đủ mặt các nhà bác học, các kỹ sư, các chính khách, các nhà
doanh nghiệp, nhiều người tuổi tác và có danh tiếng, tụ họp lại để coi chàng
thí nghiệm. Thấy chàng khổ tâm, lo lắng, ông Preece phải an ủi, khuyến
khích.
Sau ít lời giới thiệu, ông bảo:
- Ông Marconi, xin ông khởi sự cho.
Marconi lại gần máy, dùng chìa khóa gõ ít tiếng, rồi mở máy thâu thanh,
đứng đợi. Im lặng hoàn toàn trong một lát. Vài khán giả đã ngó nhau, muốn
mỉa chàng.
Thì bỗng nhiên, mọi người nghe rõ ràng tiếng táp, táp, táp, táp: có dấu hiệu
của máy ở bờ sông Tamise đáp lại.
Ông Preece quay lại nói với khán giả:
- Các ông thấy không?
Người ta xô nhau lại khen chàng, ngắm nghía máy móc, nhờ chàng giảng
giải.
Sau lần đó, chàng còn phải thí nghiệm cho Lục quân và Thủy quân Anh, vì
quân đội Anh muốn lợi dụng phát minh đó. Lần này tin phải đánh đi xa
hơn: mười hai cây số. Cũng lại thành công mỹ mãn.
Sau chàng lại thí nghiệm trên một khoảng là mười lăm cây số cách sông.
Năm 1897, chàng về Ý, thí nghiệm cho vua Ý và Hạ nghị viện coi. Rồi lại
qua Anh.
Trong mấy năm đó Marconi vẫn tiếp tục cải thiện máy, làm cho máy có thể
truyền nhiều tin tức đi cùng một lúc, mỗi tin trên một làn điện khác nhau.
Danh đã vang lừng khắp thế giới.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.